TP Sa Đéc

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính

Cập nhật ngày: 14/09/2023 15:07:53

http://baodongthap.com.vn/database/video/20230914031140DT2-8.mp3

 

ĐTO - Nhằm thực hiện mục tiêu “Xây dựng chính quyền phục vụ Nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công theo hướng hiện đại, nhanh chóng, thuận tiện”, năm 2023, nhiều mô hình cải cách hành chính (CCHC) gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số từ cấp thành phố đến cơ sở của TP Sa Đéc đã và đang triển khai mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ người dân và doanh nghiệp.


Người dân đến làm thủ tục hành chính tại xã Tân Khánh Đông

Giải pháp mới trong công tác cải cách hành chính

Ngay từ đầu năm, UBND TP Sa Đéc đã phê duyệt 44 mô hình giải pháp mới trong công tác CCHC. Qua 8 tháng đầu năm, những mô hình CCHC đạt hiệu quả cao phải kể đến như: mô hình “Không gian hành chính phục vụ” của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thành phố, “Tổ tư vấn, hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) lĩnh vực hành chính - tư pháp của Phòng Tư pháp thành phố, “Ngày thứ Năm không hẹn của UBND xã Tân Khánh Đông, “Ngày thứ Ba và thứ Sáu không chờ” của UBND xã Tân Quy Tây, “Chạm để biết” của UBND phường Tân Quy Đông...

“Ngày thứ Năm không hẹn” là mô hình CCHC mới được UBND xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc triển khai giúp công dân khi đến làm các thủ tục hành chính (TTHC) như: đăng ký kết hôn, khai tử, cấp bản sao trích lục hộ tịch, đăng kí lại khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân, chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký sẽ được tiếp nhận, xử ký và chờ nhận kết quả ngay thay vì phải hẹn trả kết quả từ 1 - 5 ngày làm việc theo quy định.

Chỉ chưa đầy buổi sáng, bà Phan Thị Tuyết ở ấp Đông Giang, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc đã làm xong thủ tục đăng ký khai sinh lại để bổ sung hồ sơ chuyển nhượng đất đai. Bà Tuyết vui vẻ cho biết: “Hôm tôi đến UBND xã làm thủ tục đăng ký lại khai sinh, cũng nhờ các cán bộ hướng dẫn tận tình. Đầu tiên là đến Công an xin mã số định danh rồi đến đây photo giấy nộp vào là xong. Chính quyền của xã đổi mới cách làm rất nhanh lẹ, tạo thuận lợi hơn cho người dân, tôi rất vui mừng”.

Bà Võ Thị Hồng Nhạn - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Khánh Đông, cho biết: “Thông qua mô hình này sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí và tạo được sự hài lòng đối với tổ chức và công dân, nhất là những trường hợp ở xa, đồng thời phát huy hơn nữa sự năng động, nhạy bén của cán bộ công chức trong tiếp nhận, xử lý công việc ở địa phương và hướng tới xây dựng chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ. UBND xã cũng có thành lập đường dây nóng để hỗ trợ người dân tư vấn giải quyết TTHC khi người dân có thắc mắc”.

Còn tại UBND phường An Hòa, dù mới đưa vào vận hành từ giữa tháng 8 đến nay, mô hình “Máy nhận - trả hồ sơ DVCTT tự động” (gọi tắt là máy APS), mô hình đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận và giải quyết được 44 hồ sơ cho người dân. Máy APS hoạt động tự động thông qua tương tác trực tiếp với người nộp hồ sơ, được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại gồm máy tính, màn hình cảm ứng, máy scan 2 mặt để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tự thực hiện điền thông tin tờ khai điện tử, scan các tài liệu, hồ sơ liên quan và gửi hồ sơ DVCTT bằng những thao tác đơn giản. Máy APS sẽ cập nhật thường xuyên và cung cấp đầy đủ danh mục các TTHC, hướng dẫn nộp, theo dõi, nhận kết quả giải quyết và thanh toán ngay trên Cổng dịch vụ công.


Đoàn viên, thanh niên phường An Hòa hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trên máy APS

Lần đầu thao tác trên máy APS để đăng ký khai sinh trực tuyến cho cháu nội nên khá nhiều bỡ ngỡ, nhưng được sự hướng dẫn tận tình của thành viên Tổ kết nối DVCTT, ông Hồ Văn Cưng ở khóm Tân Hòa, phường An Hòa, TP Sa Đéc phấn khởi chia sẻ: “Nhờ có cán bộ hướng dẫn thao tác sử dụng máy này nên việc nộp hồ sơ của tôi nhanh chóng, thuận lợi hơn. Tôi tin một vài lần nữa, tôi có thể tự mình làm được trên máy. Tôi thấy mô hình này rất khả thi và tiện lợi, nộp hồ sơ qua máy APS này giúp cho người dân tiết kiệm được thời gian và nhanh chóng, tiện lợi, đỡ phải chờ đợi”.

Anh Mai Trần Phúc - Tổ trưởng Tổ kết nối DVCTT phường An Hòa, cho biết: “Từ khi máy APS đưa vào vận hành, còn gặp một số khó khăn do người dân chưa quen với thao tác trên thiết bị công nghệ số nên còn e ngại, nhưng với sự hướng dẫn tận tình của Tổ hỗ trợ, người dân dần quen với cách thức thao tác này”.

Được đặt phía trước Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của phường An Hòa, máy APS mở cửa hoạt động xuyên suốt phục vụ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài giờ hành chính (kể cả thứ 7, Chủ nhật). Đây là mô hình có tính sáng tạo, ứng dụng các tiện ích của công nghệ thông tin vào công tác CCHC, góp phần xây dựng chính quyền thân thiện, chính quyền điện tử, cải thiện và nâng cao hiệu quả thực hiện CCHC.

Hiệu quả tích cực trong ứng dụng chuyển đổi số

Bà Trần Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND Phường An Hòa, cho biết: “Qua thời gian triển khai, thực hiện đến nay, địa phương đã nhận được khá nhiều sự đồng thuận từ phía người dân về sự tiện lợi của máy như: tra cứu TTHC được công khai, có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công. Đối với những người chưa sử dụng thành thạo máy cũng được hỗ trợ nhiệt tình, qua đó, người dân có nhiều đánh giá tích cực đối với mô hình”.

Tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TP Sa Đéc, từ cuối tháng 6/2023, mô hình “Không gian hành chính phục vụ” được hoàn thiện với một chiếc bàn dài in các mã QR code tra cứu về TTHC, đăng ký phần mềm VSSID, VNeID, du lịch Sa Đéc, thanh toán trực tuyến, hướng dẫn chứng thực bản sao điện tử, DVCTT. Tận dụng những vỏ xe tái chế, những chiếc bàn nhiều màu sắc ra đời, vừa là nơi để trồng hoa, nuôi cá, vừa tạo không gian hài hòa khi cá nhân, tổ chức đến thực hiện TTHC. Bên cạnh đó, người dân vừa tra cứu TTHC tại màn hình 32 inch, vừa có thể in đơn trực tiếp.


Không gian hành chính phục vụ của TP Sa Đéc tạo sự thoải mái cho người dân khi đến làm thủ tục hành chính

Cảm nhận về “Không gian hành chính phục vụ” của TP Sa Đéc, chị Nguyễn Thị Hương Loan ở ấp Phú Hòa, xã Tân Phú Đông, cho biết: “Không gian rất thoáng mát, những bánh xe kê lên làm bàn nuôi cá nhìn lạ và đẹp mắt, trong thời gian ngồi đợi, mình được mời uống nước. Mấy em nhận hồ sơ cũng vui vẻ, nhiệt tình khi người dân không biết thì các em hướng dẫn hỗ trợ...”.

Bà Võ Thị Bình - Phó Chủ tịch UBND TP Sa Đéc, cho biết: “Mục tiêu của TP Sa Đéc nhiệm kỳ 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2030 về chuyển đổi số là nâng cao vai trò trách nhiệm của từng đơn vị trong việc quản lý hành chính và đẩy mạnh công nghệ thông tin. Đồng thời đưa TP Sa Đéc thành 1 trong 3 đơn vị có Chỉ số CCHC cao nhất và đẩy nhanh Trung tâm điều hành thông minh IOC để đưa TP Sa Đéc trở thành một đô thị thông minh”.

Để đạt được mục tiêu đề ra, TP Sa Đéc đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành CCHC, gắn với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố và UBND các xã, phường trong tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ CCHC được giao; nỗ lực duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí về Chỉ số CCHC của thành phố trong thời gian tới, nhất là nhân rộng áp dụng những sáng kiến, mô hình, cách làm hay về công tác CCHC; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, năng động, sáng tạo, thân thiện phục vụ Nhân dân, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, DVCTT trong việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC.

Những chuyển biến trong ứng dụng chuyển đổi số trong CCHC của TP Sa Đéc sẽ là tiền đề quan trọng góp phần thực hiện xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Qua đó tạo tính đột phá, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.

SÔNG NGÂN - TRÚC NGUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn