Đau thắt ngực cảnh báo bệnh mạch vành nguy hiểm

Cập nhật ngày: 14/11/2014 04:50:28

Nữ bệnh nhân 67 tuổi đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược vì đau ngực trái đột ngột. Nhiều cơn đau kéo dài 5-10 phút ở giữa ngực, lan lên vùng cằm và tay trái. 

Các cơn đau kiểu đè ép kèm theo khó thở và vã mồ hôi, xuất hiện ngay cả khi bệnh nhân nằm nghỉ ngơi. Với chẩn đoán cơn đau thắt ngực không ổn định, bệnh nhân được chụp động mạch vành cấp cứu, kết quả cho thấy nhiều chỗ hẹp trên cả 3 nhánh mạch máu nuôi tim. Sau hội chẩn, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM quyết định phẫu thuật để làm các cầu nối động mạch vành bán cấp. Bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt và được xuất viện sau một tuần.

Cơn đau thắt ngực không ổn định là một trong ba biểu hiện của hội chứng động mạch vành cấp tính. Đây là tình trạng cấp cứu tim mạch nguy hiểm. Để điều trị, bên cạnh xác định và hạn chế các yếu tố nguy cơ, việc can thiệp để nong, đặt stent và phẫu thuật đóng vai trò quan trọng.


Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành không sử dụng máy tim phổi nhân tạo tại BV Đại học Y dược TP HCM. Ảnh: T.A

Các động mạch vành có thể bị hẹp và tắc theo thời gian khi hiện tượng xơ vữa động mạch diễn ra. Khi có nhiều chỗ hẹp trên nhiều mạch máu khác nhau, bệnh nhân có thể được hội chẩn và chỉ định mổ tạo các cầu nối bắc ngang qua chỗ hẹp để tăng lượng máu nuôi cho cơ tim, giúp tim hoạt động tốt, cung cấp đủ máu đi nuôi cơ thể.

Phẫu thuật được tiến hành bằng cách cưa xương ức (ở giữa ngực) để mở lồng ngực và bộc lộ tim. Bác sĩ sẽ dùng một số mạch máu để làm các cầu nối qua chỗ hẹp. Các mạch máu này có thể là tĩnh mạch ở chân, động mạch trong lồng ngực hoặc ở một số vị trí khác của cơ thể.

Ngày nay, nhờ sự phát triển của chuyên ngành gây mê, hồi sức và các kỹ thuật mới, có thể tiến hành phẫu thuật cầu nối mạch vành không cần sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo. Trong phẫu thuật này, bác sĩ sử dụng một dụng cụ cố định tim đặc biệt, giúp cho vùng tim có động mạch vành bị hẹp không di chuyển trong khi các phần khác vẫn co bóp bình thường, duy trì tưới máu cho các cơ quan ổn định. Sau khi thực hiện xong một cầu nối, nhà phẫu thuật sẽ di chuyển bộ phận cố định tim đến một vị trí khác để thao tác, tuần tự đến khi thực hiện đầy đủ các cầu nối và tim được cung cấp máu đầy đủ.

Sau mổ, bệnh nhân sẽ được nằm ở khu hồi sức đặc biệt khoảng 1-3 ngày để được theo dõi sát, chăm sóc và xử lý ngay khi có diễn tiến không thuận lợi diễn ra.

Bệnh nhân đã được phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cần phải điều chỉnh lối sống hợp lý. Chế độ ăn nhạt, giảm mỡ, duy trì cân nặng lý tưởng, tập thể dục mỗi ngày, ngưng hút thuốc lá và giảm căng thẳng. Vì bắc cầu động mạch vành không điều trị bệnh nền nên các bệnh nhân vẫn phải uống thuốc và tái khám định kỳ đều đặn tại các trung tâm có chuyên khoa tim mạch. Cần sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu, một loại kháng đông, rất cần thiết để các cầu nối thông thương tốt trong thời gian nhiều năm.

Bệnh nhân làm công việc văn phòng có thể trở lại công việc bình thường sau phẫu thuật 4-6 tuần. Các bệnh nhân làm việc nặng hơn cần thời gian hồi phục lâu hơn. Khoảng 20-30% sẽ cần phẫu thuật lại trong vòng 10 năm.

TS. BS Nguyễn Hoàng Định - Ths. BS Võ Tuấn Anh

Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn