Phân biệt viêm da do kiến ba khoang và bệnh Zona

Cập nhật ngày: 03/11/2012 05:35:22

Theo bác sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, những trường hợp nhầm lẫn giữa bệnh zona và bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng không phải là hiếm gặp. Nhiều người bệnh cứ thấy có mụn phồng rộp, đỏ là nghĩ đến bệnh zona, tự đi mua thuốc, thường là Acyclovir (thuốc kháng virus). Tuy nhiên tổn thương càng đỏ hơn, nặng thì biến chứng nhiễm trùng. Cứ 10 bệnh nhân đến khám thì có đến 3 người tự ý sử dụng thuốc sai.


Kiến ba khoang thủ phạm khiến nhiều người dân ở Hà Nội
bị ngứa, rát, phồng rộp

Triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng là ngứa, rát chỉ sau vài phút tiếp xúc côn trùng, sau đó thì đỏ, phồng rộp lên. Tùy vào độc lực của côn trùng mà mức độ tổn thương da nặng hay nhẹ, nếu là do kiến ba khoang thì bệnh thường nặng hơn. Nhẹ là rát, đau, nặng là đỏ, phồng rộp lên như bỏng, hoại tử da.

Trong khi đó, bệnh zona thần kinh là do virus. Ban đầu người bệnh sẽ thấy đau, tổn thương da, bọng nước thành từng đám, có hạch ở khu vực, nếu bị ở mặt thì có hạch ở cổ, bị ở tay thì có hạch ở nách.

Bác sĩ Hùng cho biết trong số những côn trùng gây đợt viêm da tiếp xúc diện rộng tại Hà Nội vừa qua thì có cả các loại bướm, bọ, nhiều nhất là do kiến ba khoang. Người bị thường do đi đá bóng, bán nước ở hè phố vào buổi tối hoặc ở nhà bật điện mở cửa côn trùng bay vào. Có trường hợp phơi khăn ngoài ban công, côn trùng bay đậu vào, đến khi dùng khăn rửa mặt thì chỉ một lúc thấy cả vệt dài ở mặt... Bệnh nhân không chỉ ở các quận ngoại thành mà cả ở những quận nội đô như Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ, Đống Đa…

Bác sĩ khuyến cáo, khi bị kích ứng do tiếp xúc với côn trùng, trong đó có kiến ba khoang thì người bệnh nên rửa chỗ tổn thương da qua nước lạnh sạch hoặc nước muỗi loãng, dùng bông, gạc mềm thấm nhẹ để làm loãng và trôi tiết dịch của côn trùng, tuyệt đối không gãi hay chà xát mạnh. Lưu ý không nên dùng nước xà phòng rửa vì sẽ làm tăng kích ứng da.

Sau đó bôi dung dịch làm mát da, như hồ nước. Nếu bệnh nhẹ thì chỉ sau 2-3 ngày là khỏi, nếu nặng thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Đối với trẻ nhỏ, do da mỏng nên rất dễ bị tổn thương, nhất là những vùng hở. Vì thế, cha mẹ nếu cho con đi chơi tối thì nên tránh xa ánh đèn điện, mặc áo dài tay. Người dân cũng nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Buổi tối nên đóng cửa, buông rèm, hạn chế thắp điện hoặc dùng lưới chống muỗi, côn trùng.

ĐH (Theo Nam Phương-VnE)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn