Cần xây dựng cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ cho ngành giáo dục để đảm bảo đủ giáo viên

Cập nhật ngày: 20/02/2023 09:47:05

http://baodongthap.com.vn/database/video/20230220094826dt2-3.mp3

 

ĐTO - Qua đợt giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT)”, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có nhiều kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Bộ, ngành chức năng.


Đoàn giám sát làm việc với UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở có liên quan (
Ảnh: Thanh Trúc)

Thực hiện Kế hoạch giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp chủ trì, phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành giám sát chuyên đề tại Đồng Tháp. Đoàn giám sát đã khảo sát một số trường THCS, trường Tiểu học; giám sát UBND huyện Hồng Ngự, UBND TP Sa Đéc và làm việc với UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các sở liên quan...

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá, việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đúng lộ trình đổi mới chương trình, SGK GDPT từ năm học 2020-2021. Bằng nhiều cách làm sáng tạo, tỉnh đã tập trung cho công tác triển khai, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương đổi mới chương trình, SGK GDPT; thực hiện nghiêm túc quy trình chọn lựa SGK; kịp thời công khai danh mục SGK được phê duyệt để thuận lợi cho học sinh, phụ huynh học sinh trong việc chuẩn bị đủ SGK trước ngày khai giảng năm học mới. Năm 2021, tỉnh đã tổ chức hội thảo về danh mục sách được lựa chọn, theo dõi nắm bắt dư luận để kịp thời cung cấp thông tin giải trình hoặc rút kinh nghiệm để khâu lựa chọn SGK bảo đảm tính công khai, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu, điều kiện của địa phương. Đội ngũ giáo viên và học sinh hào hứng với việc triển khai Chương trình GDPT 2018.

Tỉnh đã kịp thời phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016-2020; Chương trình bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2021-2025; tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, lựa chọn và cung ứng SGK theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Giai đoạn 2015-2022, Đồng Tháp ưu tiên bố trí gần 3.620 tỷ đồng để chi cho các hoạt động thường xuyên sự nghiệp giáo dục, đào tạo; Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên; mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất để thực hiện chủ trương đổi mới chương trình, SGK GDPT.

Do điều kiện thực tế địa phương, việc triển khai bố trí giáo viên dạy môn tích hợp ở bậc THCS gặp khó khăn do giáo viên chủ yếu dạy đơn môn, chưa thể bố trí dạy liên môn (kể cả số giáo viên đã được tập huấn, bồi dưỡng cũng khó đảm nhiệm và bảo đảm chất lượng); khó tuyển dụng giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học (bậc Tiểu học), giáo viên dạy Mỹ thuật, Âm nhạc (bậc THPT) do thiếu nguồn. Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số ít cán bộ quản lý và giáo viên (lớn tuổi) còn hạn chế. Tiến độ tu sửa cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan môi trường một số địa phương còn chậm, mua sắm trang thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018 chưa kịp thời, nguyên nhân do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và do phải bảo đảm thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật...

Qua giám sát, theo Đoàn ĐBQH tỉnh, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, SGK GDPT trong những năm tiếp theo, tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện Đề án vị trí việc làm; rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ số lượng và cơ cấu giáo viên cơ bản, giáo viên chuyên biệt tại các cơ sở giáo dục; thực hiện Đề án chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đảm bảo 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn theo lộ trình; ưu tiên biên chế tuyển dụng giáo viên môn Tin học, tiếng Anh; linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định đối với mỗi cấp học, ưu tiên đối với những khối lớp đã triển khai theo lộ trình...


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát tại Trường THCS Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự 
(Ảnh KN)

Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chương trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, để giúp các địa phương thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018. Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT xây dựng cơ chế, chính sách về biên chế, chế độ tiền lương, chế độ đãi ngộ dành riêng cho ngành GD&ĐT để đảm bảo đủ số lượng giáo viên, đúng cơ cấu chuyên môn ở các cơ sở GDPT, đáp ứng nhu cầu giáo dục của Nhân dân, đảm bảo thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy định tại Nghị định số 115 ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng đối với giáo viên phù hợp theo hướng 1 sinh viên có thể đăng ký nhiều nguyện vọng dự tuyển, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm, hạn chế việc thiếu giáo viên. Đồng thời phối hợp Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét phân bổ vốn Trung ương về các địa phương để thực hiện mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ đổi mới chương trình, SGK GDPT, do vốn sự nghiệp địa phương không tự bảo đảm; điều chỉnh đối tượng được miễn học phí; đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập...

UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đổi mới chương trình, SGK GDPT; thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình, tập trung đầu tư cơ sở vật chất; đẩy nhanh tiến độ cấp trang thiết bị dạy học còn thiếu để thực hiện Chương trình; cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn để sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ GD&ĐT. Đồng thời quan tâm chỉ đạo sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên theo 3 hướng: tuyển dụng, điều tiết và đào tạo theo đặt hàng; từ đó có định hướng hợp đồng với trường Đại học đào tạo giáo viên theo nhu cầu; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành có liên quan tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, SGK trên địa bàn.

Sở GD&ĐT cần kịp thời triển khai Chương trình giáo dục địa phương vào chương trình giảng dạy học sinh các khối lớp, sớm ban hành in ấn SGK chương trình giáo dục địa phương đối với các khối lớp đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt; nghiên cứu có giải pháp cung ứng đầy đủ, kịp thời SGK cho học sinh ngay từ đầu năm học, tránh trường hợp thiếu SGK do phải phụ thuộc vào số lượng học sinh đăng ký, lựa chọn môn học tự chọn trong trường THPT. Nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả của các cơ sở GDPT khi triển khai thực hiện việc đổi mới chương trình, SGK GDPT 2018...

Triển khai Chương trình GDPT 2018, UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục chủ động rà soát, xác định nhu cầu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên; xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí sử dụng đội ngũ hiện có; đồng thời tuyển dụng, tinh giản biên chế đúng quy định, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Kết quả, hiện toàn tỉnh có 17.791 giáo viên và cán bộ quản lý; thiếu 98 cán bộ quản lý, 772 giáo viên và 190 nhân viên, thừa 5 giáo viên cấp THPT; trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên bảo đảm đúng theo quy định Luật Giáo dục 2019; 100% cán bộ quản lý và giáo viên tham gia bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT 2018.

THANH TRÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn