Tàu vũ trụ DART của NASA đâm trúng tiểu hành tinh Dimorphos

Cập nhật ngày: 27/09/2022 13:10:10

Sáng 27/9, tàu vũ trụ DART của NASA đã đâm thành công vào tiểu hành tinh Dimorphos với tốc độ siêu âm trong một cuộc thử nghiệm của hệ thống phòng thủ hành tinh đầu tiên trên thế giới, nhằm ngăn chặn va chạm giữa thiên thạch với Trái đất.


Hình minh họa tàu vũ trụ DART của NASA trước khi va chạm vào tiểu hành tinh đôi Didymos. Ảnh: NASA

Sự kiện này được phát trên webcast của NASA 10 tháng sau khi tàu vũ trụ DART được phóng.

Vụ va chạm giữa tàu vũ trụ với tiểu hành tinh Dimorphos, có kích thước bằng một sân vận động bóng đá, vào lúc 23 giờ 14 phút tối 26/9 theo giờ GMT, tức 6 giờ 14 phút sáng 27/9 theo giờ Việt Nam, cách Trái đất khoảng 11 triệu km.

Hình ảnh từng giây do camera của tàu vũ trụ DART cho thấy tiểu hành tinh mục tiêu ngày càng lớn hơn, và cuối cùng lấp đầy màn hình TV của chương trình truyền hình trực tiếp của NASA ngay trước khi tín hiệu bị mất, điều này xác nhận tàu vũ trụ đã đâm vào Dimorphos.

Kết quả của thí nghiệm có thành công hay không sẽ không được biết cho đến khi có thêm các quan sát bằng kính thiên văn trên mặt đất về tiểu hành tinh vào tháng tới. Nhưng các quan chức NASA đã ca ngợi kết quả ngay lập tức của cuộc thử nghiệm và cho rằng tàu vũ trụ đã đạt được mục đích của nó.

Vài phút sau vụ va chạm, Phó giám đốc NASA Palm Melroy, một cựu phi hành gia cho biết: "NASA hoạt động vì lợi ích của nhân loại, vì vậy mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là thực hiện được một cuộc trình diễn công nghệ mà biết đâu một ngày nào đó có thể cứu ngôi nhà chung của chúng ta".

Tàu vũ trụ DART, được phóng bằng tên lửa SpaceX vào tháng 11/2021, đã thực hiện phần lớn hành trình dưới sự hướng dẫn của NASA, với quyền điều khiển được giao cho một hệ thống định vị tự động trên tàu trong những giờ cuối cùng trước khi đâm vào tiểu hành trình.

Tiểu hành tinh đôi Dimorphos và Didymos đều rất nhỏ so với tiểu hành tinh Chicxulub tấn công Trái đất khoảng 66 triệu năm trước, xóa sổ khoảng 3/4 loài động thực vật trên thế giới bao gồm cả khủng long.

Một tiểu hành tinh có kích thước như Dimorphos, mặc dù không có khả năng gây ra mối đe dọa trên toàn hành tinh, nhưng có thể san bằng một thành phố lớn với một cú va chạm trực diện.

Thử nghiệm lần này cũng được quan sát bởi một máy ảnh gắn trên một tàu vũ trụ mini cỡ chiếc cặp được phóng trước đó, cũng như bởi các đài quan sát trên mặt đất và kính thiên văn không gian Hubble và Webb, nhưng hình ảnh từ những camera này chưa có ngay lập tức.

DART là sứ mệnh mới nhất trong một số sứ mệnh của NASA trong những năm gần đây nhằm khám phá và tương tác với các tiểu hành tinh vốn là tàn tích đá nguyên thủy từ quá trình hình thành hệ Mặt trời từ hơn 4,5 tỷ năm trước.

Chi phí của dự án DART là 330 triệu USD, thấp hơn nhiều so với nhiều sứ mệnh khoa học tham vọng nhất của cơ quan vũ trụ này.

Theo Reuters

Theo LÊ LÂM (NDO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn