Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu nhiều vấn đề chiến lược đạt hiệu quả cao
Cập nhật ngày: 04/01/2023 11:26:18
ĐTO - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị (trực tiếp và trực tuyến) tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), sáng ngày 4/1. Tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp do ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh và ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp
Theo đánh giá, năm 2022, với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp về kinh tế - xã hội, Bộ KH&ĐT đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, bộ đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ các kịch bản phát triển phù hợp cũng như những giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực và đạt được mục tiêu kép trong phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp được bộ đưa ra đều là các giải pháp mạnh, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng xanh và phát triển bền vững gắn với tiền trình phục hồi xanh toàn cầu.
Bộ cũng làm tốt công tác tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, triển khai các biện pháp nhằm tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi, gia tăng niềm tin và khơi dậy tinh thần kinh doanh, tinh thần sáng tạo và bản lĩnh của doanh nghiệp; tiếp tục chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách phát huy mô hình kinh tế mới (kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn…) và các yêu cầu phát triển bền vững hậu Covid-19; phát huy vai trò tích cực trong công tác truyền thông, giải trình về định hướng điều hành chính sách và kết quả kinh tế - xã hội, góp phần đáng kể tạo đồng thuận xã hội, ổn định tâm lý thị trường; kịp thời tham mưu các giải pháp, cơ chế chính sách góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ để phục hồi và phát triển kinh tế.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, ngành KH&ĐT có truyền thống lâu đời của nước ta, có vị trí, vai trò tham mưu rất quan trọng. Năm 2022, nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, trong đó, có sự đóng góp quan trọng của Bộ KH&ĐT với rất nhiều nhiệm vụ, đạt kết quả nổi bật như: nắm chắc tình hình và tham mưu chiến lược nhiều nội dung có hiệu quả; theo dõi, tiếp xúc với doanh nghiệp để lắng nghe, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề để thu hút đầu tư; triển khai các nội dung về nghị quyết vùng; cắt giảm gần 5.000 dự án dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm; định hướng đầu tư công, cùng các địa phương huy động nguồn vốn ngoài nhà nước; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thể chế hóa các nghị quyết, thúc đẩy phát triển; góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; công tác truyền thông, thông kê có nhiều chuyển biến, giúp định hình chính sách tốt hơn…
Đối với nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT phát huy tinh thần đoàn kết, năng lực quản lý… để đạt kết quả cao hơn; kích hoạt và huy động nguồn lực ngoài xã hội cần tăng cường; tham mưu tạo ra nhiều chính sách và tăng cường truyền thông chính sách, tạo niềm tin, sự đồng thuận cao trong xã hội; mạnh dạn cùng các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các nút thắt về huy động vốn đầu tư. Bộ cần tập trung tập hợp, đánh giá tình hình để tham mưu chiến lược thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023, đảm bảo thực hiện thắng lợi, đặc biệt là góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ, độc lập gắn với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy đối mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; phân bổ nguồn lực nhà nước phù hợp, hiệu quả, tránh dàn trải, tập trung cho hệ thống đường cao tốc; chủ động trong công tác chuyển đổi số…
TN