Huyện Lai Vung tập trung khai thác thế mạnh từ đặc sản quýt hồng
Cập nhật ngày: 04/01/2023 10:56:09
ĐTO - Thời gian qua, các ban, ngành và các địa phương của huyện Lai Vung phối hợp với sở, ngành tỉnh và chuyên gia đến từ Trường Đại học Cần Thơ quyết tâm triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm vực dậy tiềm năng của cây quýt hồng. Với nhiều nỗ lực, đến nay, hầu hết diện tích quýt hồng đã khôi phục và trở lại “guồng quay”, giúp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Lãnh đạo huyện Lai Vung luôn quan tâm việc hỗ trợ phát triển các khu, điểm du lịch quýt hồng trên địa bàn huyện. Ảnh: khánh Phan
Từ xanh lên vườn quýt...
Theo UBND huyện Lai Vung, từ năm 2018, cây trồng quýt hồng chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh trên cây có múi khiến diện tích bị giảm. Nhằm vực dậy loại cây đặc trưng, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án bảo tồn vườn quýt hồng giai đoạn 2020-2024 với diện tích hơn 546ha, tổng vốn thực hiện hơn 73 tỷ đồng. Đồng thời, quýt hồng Lai Vung cũng chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Điều này, giúp diện tích canh tác quýt hồng Lai Vung dần được cải thiện. Hiện, toàn huyện có hơn 200ha quýt hồng, sản lượng ước đạt 5.000 tấn (tập trung ở các xã: Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước, Hòa Long, Hòa Thành và Vĩnh Thới).
Trở lại thăm vườn quýt hồng đang phát triển sum suê, sắp cho thu hoạch vụ Tết của gia đình ông Nguyễn Văn Đầy ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, chúng tôi cảm nhận được sự hồi sinh mạnh mẽ của loại cây thế mạnh này. Bởi, hơn 3 năm trước, khu vườn rộng hơn 5.000m2 này tưởng chừng không “chống chịu” nổi với hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh, các cây quýt trong vườn đều nhiễm bệnh.
Vườn quýt hồng của gia đình ông Đầy năm nay cho năng suất cao là do áp dụng các biện pháp canh tác theo quy trình khôi phục vườn quýt hồng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trường Đại học Cần Thơ khuyến cáo. Đến nay, vườn quýt hồng hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ để bón với mục đích vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây, vừa giúp cải tạo đất. “Năm đầu thực hiện, cây quýt hồng không phát tán thêm bệnh, đến năm thứ hai cây phục hồi từ 60-70%, đến năm thứ ba vườn cây phục hồi gần 95% và bắt đầu cho trái, cho năng suất từ 1-1,5 tấn/1.000m2. Còn năm nay, vườn quýt hồng của tôi hoàn toàn sạch bệnh nên năng suất tăng lên gấp 2 hoặc gấp 3 lần” - ông Đầy chia sẻ.
Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung lần thứ I - năm 2023 với chủ đề “Khát vọng vươn lên” do Báo Nông nghiệp Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Lai Vung đồng tổ chức, chính thức diễn ra từ ngày 5-8/1/2023, tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Lễ hội nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá hình ảnh quýt hồng cũng như giá trị văn hóa, kinh tế cho các sản phẩm từ quýt hồng Lai Vung. Qua đó, góp phần phát triển du lịch, tạo dựng hình ảnh địa phương huyện Lai Vung.
Điểm nổi bật của Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung lần thứ I- năm 2023 là hoạt động trải nghiệm không gian sản xuất quýt hồng; hội thảo “Bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị quýt hồng”; tọa đàm “Quýt hồng - Tiềm năng của địa phương và cơ hội cho mọi khách hàng”; chiếu phim tư liệu “Vương quốc Quýt hồng đất Lai Vung”; hội thi “Vườn quýt hồng kiểu mẫu”, hội thi “Cây quýt hồng đẹp”...
|
Tương tự, ông Lê Hồng Đức ngụ ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, huyện Lai Vung cũng cho hay: “Năm nay, năng suất quýt hồng Lai Vung cao hơn năm trước, bởi cho nhiều trái và nhiều chùm trái to, đẹp, ai ra vườn tham quan cũng khen, thích thú”.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết: “Thời gian tới, huyện Lai Vung triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm phát huy giá trị gia tăng sản phẩm quýt hồng. Trong đó, tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm quýt hồng không hạt để nâng cao chất lượng trái; nghiên cứu áp dụng các quy trình công nghệ chế biến sau thu hoạch và tận dụng các phụ phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh việc trồng quýt hồng trong nhà lưới, nhà màng để có thể thực hiện quy trình canh tác 4.0 theo hướng hữu cơ; thành lập các hợp tác xã ngành hàng cây có múi, góp phần tạo đầu ra bền vững...”.
Du khách gần xa rất thích thú với việc tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch quýt hồng
...Đến khai thác tiềm năng từ quýt hồng
Theo UBND huyện Lai Vung, những năm qua, để nâng cao giá trị cho sản phẩm thế mạnh, nông dân trên địa bàn huyện còn làm cây kiểng để bán; chủ động mở các dịch vụ du lịch cho khách đến tham quan, trải nghiệm vào thời gian thu hoạch quýt, cũng là dịp Tết. Đặc biệt, với công nghệ chế biến mới, ép dầu, sấy vỏ quýt, những quả xấu không đạt tiêu chuẩn trong quá trình thu hoạch được phân loại và vẫn bán được thay vì bỏ đi như trước đây, góp phần gia tăng chuỗi giá trị cho trái quýt.
Là một trong những hộ có nhiều năm trồng quýt hồng, ông Đoàn Văn Kiệt ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung đã thay đổi tư duy nhằm nâng cao thu nhập. Theo ông Kiệt, gia đình đã tận dụng 5.000m2 đất vườn trồng quýt hồng đầu tư làm du lịch. Với cách làm mới mẻ này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Đây được xem là hướng đi đúng đắn. Bởi huyện Lai Vung được ví là “Vương quốc quýt hồng”, vốn có tiếng trên cả nước, nên việc mở cửa vườn quýt làm du lịch là việc làm rất được khuyến khích, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh Đồng Tháp vươn xa.
Chuẩn bị sẵn sàng cho Lễ hội Quýt hồng Lai Vung lần I - năm 2023
Trong những dịp lễ, Tết, Điểm tham quan vườn quýt Hai Kiệt cũng được du khách khắp nơi tìm đến ngày càng đông. Tại đây, ngoài việc tham quan, du khách còn được thưởng thức các món ăn mang hương vị đồng quê, do chủ vườn chế biến theo kiểu “miệt vườn”.
Những năm qua, ông Hà Thanh Hồng ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung phục vụ cho thị trường Tết hơn 250 cây quýt hồng trong chậu mỗi năm. Ông Hồng cho biết: “Để có sản phẩm đẹp cung ứng thị trường, tôi chú trọng hơn vào việc chọn cây giống lên chậu đảm bảo chất lượng, chăm sóc đúng kỹ thuật, bón phân đúng liều lượng. Đặc biệt, gia đình còn đầu tư thêm hệ thống nhà lưới, phun tưới tự động, giúp cây phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh tấn công. Qua đó mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình tôi”.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, để phát triển giá trị tăng thêm của quýt hồng, nông dân trên địa bàn huyện đã phát triển quýt hồng lên chậu nhằm phục vụ nhu cầu biếu tặng, được thị trường ưa chuộng. Mô hình này góp phần đem lại thu nhập cao cho nhiều nhà vườn. Bên cạnh đó, địa phương cũng quan tâm hỗ trợ nông dân thông qua những chính sách khuyến khích du lịch nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 9 khu, điểm du lịch quýt hồng, góp phần phục vụ tốt nhu cầu tham quan của du khách gần xa”.
Nông dân thu hoạch quýt hồng. Ảnh: Thanh Phong
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp thông tin: “Thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích du lịch nông nghiệp, sinh thái trên địa bàn tỉnh, trong đó có du lịch quýt hồng trên địa bàn huyện Lai Vung. Để thực hiện có chiều sâu, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành, địa phương triển khai kết nối các điểm du lịch tạo thành chuỗi bền vững; đào tạo kiến thức làm du lịch cho nhà vườn; thông tin quảng bá trên các kênh trực tuyến. Đồng thời hỗ trợ nông dân làm du lịch quýt hồng kết hợp với các làng nghề khác như: lờ lọp, xuồng, nem... góp phần nâng cao giá trị cho ngành du lịch”.
KHÁNH PHAN