Chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô
Cập nhật ngày: 13/03/2023 10:21:48
ĐTO - Hiện thời tiết bước vào mùa hanh khô, nguy cơ xảy ra cháy tại một số khu rừng trên địa bàn tỉnh là rất cao. Trước tình hình trên, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Son - Đội trưởng đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) về việc chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa hanh khô.
Ông Bùi Văn Son - Đội trưởng đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh)
Phóng viên (PV): Xin ông vui lòng cho biết đôi nét về thực trạng rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Bùi Văn Son: Rừng trên địa bàn tỉnh phân bố chủ yếu ở địa bàn 4 huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười và Cao Lãnh, các khu rừng phân bố đang xen tiếp giáp với đất sản xuất nông nghiệp, lộ giao thông và cụm, tuyến dân cư nông thôn, cây rừng chủ yếu là tràm và khoảng 40ha rừng bạch đàn tại khu vực rừng phòng hộ biên giới Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng. Hiện nay đang vào mùa khô năm 2023, các khu rừng trên địa bàn tỉnh đã và đang có nguy cơ xảy ra cháy và cháy cao (từ nay cho đến khoảng cuối tháng 6/2023).
PV: Trước thực tế đó, theo ông đâu là giải pháp để công tác PCCCR thực sự đạt hiệu quả?
Ông Bùi Văn Son: Để thực hiện có hiệu quả công tác PCCCR, trước tiên là các chủ rừng phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm và ý thức cảnh giác cao trong việc bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát khu vực rừng do mình quản lý; phân công trực phát hiện cháy rừng 24/24 trong suốt thời gian các tháng mùa khô. Đồng thời luôn sẵn sàng về lực lượng, phương tiện tại chỗ để xử lý nhanh khi có cháy rừng xảy ra nhằm hạn chế cháy lan, cháy lớn, giảm tối đa mức độ thiệt.
PV: Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân được xem là giải pháp quan trọng trong PCCCR. Thời gian qua, công tác này được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Văn Son: Nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của cộng đồng dân cư sống ven rừng, ngay từ đầu năm, lực lượng Kiểm lâm đã xây dựng kế hoạch phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương và lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tiến hành mở các lớp tuyên truyền quy định pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR; tác hại của cháy rừng để người dân hiểu, hạn chế xâm nhập rừng trái phép và quản lý tốt việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong và ven rừng.
Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng Kiểm lâm và Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho công tác PCCCR tại cơ sở. Qua công tác kiểm tra nhắc nhở, các chủ rừng khắc phục những hạn chế thiếu sót tại chỗ, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác và tinh thần trách nhiệm của chủ rừng trong việc phòng ngừa nguy cơ dẫn đến cháy rừng.
PV: Trong mùa hanh khô năm nay, ông có khuyến cáo gì đối với các cá nhân, đơn vị, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ PCCCR?
Ông Bùi Văn Son: Đối với các chủ rừng tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức cảnh giác đối với công tác PCCCR, nhất là đối với cá nhân lãnh đạo tại cơ sở. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót và sẵn sàng triển khai nhân lực, phương tiện dập tắt đám cháy mới phát sinh, hạn chế tối đa việc cháy lan, cháy lớn.
Đối với lực lượng Kiểm lâm và lực lượng quản lý bảo vệ rừng cơ sở phải thường xuyên kiểm tra, nắm sát tình hình trên địa bàn quản lý; đưa phương tiện, máy móc chuyên dụng xuống các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy cao và luôn trong tư thế sẵn sàng.
Đối với người dân sống ven rừng, không nên vào rừng khi chưa được sự đồng ý của chủ rừng, không sử dụng lửa ven rừng khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp 3 trở lên. Đặc biệt lưu ý đối với người dân tham gia lưu thông qua các trục lộ ven rừng không được vứt tàn thuốc bừa bãi trên đường. Nếu vô tình hay cố ý gây ra cháy rừng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra cháy lớn.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
MỸ NHÂN (thực hiện)