Đồng Tháp chọn “kinh tế xanh” là phương hướng chủ đạo trong phát triển các ngành, lĩnh vực

Cập nhật ngày: 11/03/2023 14:58:56

ĐTO - Sáng ngày 11/3, tại tỉnh Bến Tre, diễn ra Hội nghị Tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tham dự có đại diện lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, UBND TP HCM, UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Phía Đồng Tháp có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đến dự.


Các đại biểu thực hiện nghi thức ký kết về kết nối chung giữa thành phố Hồ Chí Minh  và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long

Theo UBND TP HCM, thời gian qua, TP HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.  Đây là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp của các địa phương. Theo đó, nhiều giải pháp được triển khai, đặc biệt trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản, khai khoáng… góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua đó, kết quả hợp tác giữa TP HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: đầu tư, xúc tiến đầu tư, thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội...

Tại Đồng Tháp, thời gian qua, nhờ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, nhiều nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP, đặc biệt là rau quả của tỉnh Đồng Tháp được cung ứng tiêu thụ tại các siêu thị, chợ đầu mối và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống  tại TP HCM (bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn…). Ngoài ra, để nâng cao giá trị sản phẩm, tỉnh còn đẩy mạnh hợp tác với TP HCM trong lĩnh vực thương mại điện tử, xây dựng chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản thông qua các sàn giao dịch, chuỗi cung ứng của Công ty cổ phần Tiki, Công ty CP Công nghệ Sendo, Big C... Ngoài ra, thời gian qua, giữa các đơn vị phân phối tại TP HCM (Sài Gòn Co.op Mart, Siêu thị Big C, Mega Market Việt Nam, Bách Hóa Xanh…) còn triển khai nhiều đợt ký kết bản ghi nhớ với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của tỉnh Đồng Tháp về tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu tại Đồng Tháp, hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu hàng hóa...

Đặc biệt, Đồng Tháp còn thành lập Trung tâm giới thiệu và phân phối Đặc sản Đồng Tháp tại TP HCM, góp phần tạo đầu ra cho nông sản và những sản phẩm tiêu biểu đặc trưng của Đồng Tháp đến với người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước...


 Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Hiện nay, khu vực ĐBSCL đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn. Trước những khó khăn này, Đồng Tháp xác định hướng đi cụ thể để thích ứng, lấy “kinh tế xanh” là phương hướng chủ đạo trong phát triển các ngành, lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế nhằm giảm phát thải, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời, tỉnh khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào 5 ngành hàng chủ lực là: lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng, sen; nông nghiệp công nghệ cao; cơ khí phục vụ nông nghiệp; du lịch; công nghiệp cơ khí phục vụ công nghiệp; cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến, chế tạo...”.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm tại gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng tỉnh trong khuôn khổ hội nghị

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng thực hiện ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL đến năm 2025 trên các lĩnh vực trọng tâm: phát triển hạ tầng giao thông; du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số...

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn