HUYỆN TÂN HỒNG

Chủ động chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 07/05/2023 09:57:07

ĐTO - Để đảm bảo nguồn nước tưới cho gần 25.000ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong vụ hè thu năm 2023, huyện Tân Hồng thực hiện nhiều giải pháp chống hạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.


Thi công nạo vét tuyến kênh Sa Rài kết hợp với giao thông nông thôn thuộc địa bàn thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng

Thời gian gần đây, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các xã: Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình... thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, chủ yếu từ lúa sang các loại hoa màu (đậu phộng, mè, khoai lang...) phù hợp với vùng đất gò cao nhằm giảm lượng nước tưới trong mùa nắng hạn. Ông Nguyễn Văn Dũng ngụ ấp Gò Da, xã Bình Phú (huyện Tân Hồng) cho biết: “Theo khuyến cáo của ngành chức năng và trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, vùng đất gò cao dễ dẫn đến thiếu nước tưới nếu sản xuất lúa. Do vậy, gia đình quyết định chuyển hơn 5.000m2 đất trồng lúa sang trồng khoai lang Dinh Điền trong vụ hè thu năm 2023. Hiện tại, khoai lang phát triển tốt, công chăm sóc nhẹ, nhất là nước tưới (khoảng 9 ngày chạy 1 cử nước) nhẹ lo rất nhiều so với làm lúa. Đặc biệt, vùng đất pha cát tương đối thích hợp với cây khoai lang...”.

Song song với tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, huyện Tân Hồng khảo sát thực tế, xây dựng kế hoạch tiến hành nạo vét nhiều tuyến kênh trên địa bàn các xã: Tân Hộ Cơ, Bình Phú, Thông Bình nhằm tạo nguồn nước tưới cho hàng trăm hécta sản xuất nông nghiệp của địa phương. Ngoài ra, 4 công trình trên địa bàn huyện do tỉnh quản lý đang thi công nạo vét thực hiện kết hợp với đường giao thông nông thôn như: kênh Tân Thành, Sa Rài, Thống Nhất và Phú Đức với tổng chiều dài gần 32km. Qua đó, khơi thông nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân vùng biên. Riêng các chủ đường nước tại các ô đê bao sản xuất nông nghiệp của các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn các xã, thị trấn đã chủ động nạo vét thủy lợi nội đồng, khơi thông cống đập, nhằm đảm bảo cung cấp nước tưới trong mùa nắng hạn.


Ông Nguyễn Văn Dũng ngụ ấp Gò Da (xã Bình Phú) chuyển hơn 5.000m
2 đất trồng lúa sang trồng khoai lang nhằm giảm lượng nước tưới trong vụ hè thu năm 2023

Ông Đặng Văn Tú ngụ ấp Gò Da, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng - thành viên Tổ hợp tác số 3 (xã Bình Phú), cho biết, cánh đồng có tổng diện tích 400ha chuyên sản xuất lúa, hiện nay, nông dân trong tổ hợp tác xuống giống dứt điểm, diện tích lúa phát triển tốt, lượng nước bơm tưới phục vụ toàn cánh đồng được đảm bảo, nhờ xã, huyện chủ động nạo vét các tuyến kênh nên chủ động được nước, người dân an tâm sản xuất...”. Liên quan đến công tác chống hạn, UBND huyện Tân Hồng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành hữu quan của huyện quan tâm hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân canh tác cây màu thay cho cây lúa. Đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đường nước thường xuyên nạo vét đường nước, tu sửa đê bao cống rãnh, bơm nước kịp thời đảm bảo phục nước tưới sản xuất vụ hè thu năm 2023, tránh thiệt hại cho người dân, vì thiếu nước tưới.

Ông Hồ Văn Lý - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng, cho biết: “Ngay từ đầu năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành khảo sát các tuyến kênh trên địa bàn có nguy cơ bị cạn kiệt nguồn nước. Qua đó, tham mưu, đề xuất UBND huyện Tân Hồng cho chủ trương nạo vét, nhằm chủ động đảm bảo nguồn nước tưới trong mùa khô hạn. Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện còn vận động nông dân chuyển đổi diện tích đất ở vùng gò cao, diện tích sản xuất lúa có năng suất thấp sang trồng cây màu nhằm tăng lợi nhuận và tiết kiệm nguồn nước tưới”. Để thích ứng với điều kiện thời tiết khô hạn, hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, ngoài giải pháp phòng, chống hạn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, cần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước) trong sản xuất nông nghiệp ở vùng biên trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

T.Đ-K.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn