Huyện Cao Lãnh

Tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị gia tăng

Cập nhật ngày: 18/05/2023 10:51:29

ĐTO - Thời gian qua, huyện Cao Lãnh triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, đặc thù đạt được nhiều kết quả khả quan. Qua đó, góp phần giúp nông dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất VietGAP, hữu cơ, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc... đáp ứng nhu cầu thị trường.


Nông dân xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh áp dụng xử lý rơm rạ bằng nấm Trichoderma kết hợp phân bón hữu cơ Con voi Bình Dương giúp giảm chi phí sản xuất (Ảnh: Nhật Nam)

Theo UBND huyện Cao Lãnh, trên tinh thần thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, địa phương tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực, tiềm năng theo hướng bền vững. Trong đó, đối với ngành hàng lúa gạo, huyện đẩy mạnh công tác tổ chức lại sản xuất để hình thành vùng lúa chất lượng cao, ứng dụng khoa học - công nghệ, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất... gắn với xây dựng nhãn hiệu “Gạo sạch Cao Lãnh” và thương hiệu gạo “Ruộng nhà mình”. Qua 2 năm thực hiện, toàn huyện có diện tích sản xuất lúa là 163.065ha, sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn; hàng năm có khoảng 86,7% diện tích lúa chất lượng cao; khoảng 87,3% diện tích áp dụng các biện pháp giảm giá thành. Qua đó, giúp nông dân tăng năng suất từ 100 - 300kg/ha, giảm giá thành sản xuất từ 100 - 200 đồng/kg, lợi nhuận tăng thêm khoảng 1,4 triệu đồng/ha.

Toàn huyện có tổng diện tích 4.700ha canh tác xoài, sản lượng thu hoạch trong mùa thuận khoảng 56.477 tấn/vụ. Thời gian qua, các ngành, các cấp chú trọng hỗ trợ nông dân trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất (sản xuất theo quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ, tưới bằng hệ thống tự động...) gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, giúp ổn định đầu ra sản phẩm. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển dịch vụ “Cây xoài nhà tôi” góp phần giới thiệu và quảng bá ngành hàng xoài của địa phương. Đồng thời duy trì mô hình sản xuất xoài thâm canh theo hướng VietGAP tại các xã: Bình Hàng Tây, Mỹ Xương và Bình Thạnh (diện tích 51ha); duy trì mô hình từ Dự án Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn nhằm phát triển chuỗi giá trị có tăng cường ứng dụng kỹ thuật số và có khả năng ứng phó, chú trọng tới phụ nữ và thanh niên Việt Nam (IFAD và UNIDO) tại xã Mỹ Hội, với diện tích 10ha. Đến nay, toàn huyện có 6 sản phẩm xoài/3 đơn vị được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.

Hiện nay, toàn huyện có 1.325ha trồng chanh, sản lượng bình quân hàng năm khoảng 42.413 tấn. Trong đó có khoảng 135ha trồng chanh không hạt; có 9ha chanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 3ha được cấp chứng nhận GlobalGAP và khoảng 60% diện tích chanh xử lý ra hoa mùa nghịch theo hướng an toàn. Trong đó, nông dân trên địa bàn huyện liên kết với Công ty TNHH MTV The Fruit Republic (TP Cần Thơ) và hệ thống siêu thị tại các tỉnh, thành phố, cung ứng sản lượng chanh khoảng 1.300 tấn/năm...

Ông Lương Như Ý - Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long (huyện Cao Lãnh) chia sẻ: “Thời gian qua, nhờ quyết tâm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, các thành viên trong hợp tác xã đã áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP vào quá trình canh tác chanh để tạo ra sản phẩm an toàn. Từ việc này, giúp nhà vườn tiết kiệm từ 20-30% chi phí sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Nhờ đó, giúp nông dân nâng cao thu nhập”.

Ông Huỳnh Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ rà soát, xây dựng, hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên cơ sở củng cố hoạt động của hợp tác xã hiện có tham gia liên kết chặt chẽ với công ty, doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, cơ giới hóa nông nghiệp vào chuỗi giá trị của các ngành hàng; tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất chanh kiểu mẫu gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, tiếp tục ứng dụng các mô hình khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như: thiết bị bay không người lái trong bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật; phát huy hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận “Gạo sạch Cao Lãnh”...

Huyện tiếp tục phối hợp với các viện, trường chuyển giao khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, chế biến, xây dựng các mô hình canh tác tiên tiến, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu như: lúa kết hợp thủy sản; lúa - rau, màu; vườn cây ăn trái kết hợp chăn nuôi, thủy sản; nghiên cứu, chuyển giao, phát triển các sản phẩm chế biến từ lúa, xoài, cá điêu hồng, chanh, ổi, sầu riêng, sen, vịt, ếch... từng bước hình thành chuỗi giá trị ngành hàng. Đồng thời khuyến khích áp dụng các công nghệ hiện đại, các giống cây trồng, vật nuôi có tính chống chịu cao, xác lập cơ chế giám sát chặt chẽ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh; tiếp tục áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, VietGAP... gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn