Phòng, chống bệnh sởi
Cập nhật ngày: 21/02/2014 06:12:01
Hiện nay bệnh sởi đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành. Tại Đồng Tháp sau 4 năm liên tiếp gần đây không xuất hiện ca dương tính sởi thì vào tháng 12/2013, có 1 ca mắc tại TP.Cao Lãnh.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch. Tác nhân gây bệnh là virus sởi (Measles virus). Hiện nay, sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây theo đường hô hấp thông qua dịch tiết mũi họng khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Bệnh sởi rất dễ lây lan và có tốc độ lây nhiễm rất cao nên có thể gây thành dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác.
Tiêm vắc - xin đề phòng bệnh sởi
Do bệnh sởi lây qua đường hô hấp nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn trong cộng đồng. Hơn nữa, hầu hết những người chưa được tiêm ngừa hoặc khả năng miễn dịch với virus sởi kém đều mắc bệnh sởi. Tuy nhiên, người đã mắc sởi thì sẽ miễn dịch với bệnh sởi suốt đời. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chiếm tỉ lệ khá cao. Riêng trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc bệnh sởi là do mẹ chưa có miễn dịch sởi nên không thể truyền kháng thể sang cho con (do mẹ chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin sởi hoặc chưa mắc bệnh sởi). Cũng có một số trường hợp trẻ không đáp ứng được miễn dịch với bệnh sởi do cơ địa.
Nói về các biểu hiện của bệnh sởi, bác sĩ chuyên khoa I, Lưu Thị Thu Hà - Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm vắc xin - sinh phẩm và phòng, chống sốt rét - Trung tâm Y tế Dự phòng Đồng Tháp (YTDP) cho biết, người bị nhiễm virus sởi thì sẽ mắc bệnh sởi nếu không được tiêm phòng đúng liều, không có trường hợp người lành mang virus, người đã từng bị sởi hầu như không bị mắc bệnh lại. Trong vòng 7 đến 21 ngày sau khi bị nhiễm virus do tiếp xúc với người bị bệnh, bệnh nhân có các triệu chứng: sốt cao, ho, hắt hơi (hoặc chảy nước mũi), viêm kết mạc (mắt đỏ) hoặc nổi hạch (cổ, sau tai, dưới chẩm), hoặc sưng đau khớp. Giai đoạn toàn phát, phát ban sẩn (mịn như nhung, không có nước, không phải ban xuất huyết). Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Ban bay (hết ban) theo trình tự như trên. Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị mắc bệnh khác gây biến chứng có thể là: mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não,... dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Mắc sởi khi mang thai có thể gây ra xảy thai, đẻ non.
Khi phát hiện bị sởi, người bệnh và người thân bệnh nhân cần phải cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc, nghỉ học và không đến nơi tập trung đông người đến 4 ngày sau khi phát ban để tránh lây lan trong cộng đồng. Tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, làm việc. Trẻ cần tăng cường dinh dưỡng đầy đủ để phòng suy dinh dưỡng, tăng sức đề kháng; tăng cường vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân cho trẻ để tránh mắc bệnh cơ hội. Cha mẹ và người chăm sóc nên chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho.
Để phòng bệnh, bác sĩ Lưu Thị Thu Hà khuyên mọi người nên chú ý việc tiêm vắc-xin sởi vì đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Không có vắc-xin nào có hiệu quả bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc-xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80 - 85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc-xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90 - 95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì việc miễn dịch có thể bền vững suốt đời. Các bà mẹ phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cán bộ y tế khi đưa trẻ đi tiêm chủng.
Theo Trung tâm YTDP tỉnh, tại Đồng Tháp, căn cứ số liệu báo cáo kết quả tiêm vắc-xin sởi hàng năm do Trung tâm YTDP tổng hợp thì tỷ lệ tiêm sởi luôn ở mức cao (> 95% /năm, sởi mũi 1; > 90% sởi mũi 2), tỷ lệ trẻ không được tiêm chiếm từ 5 -10% mỗi năm. Tỷ lệ không tiêm chủng tích lũy dần qua các năm, thêm vào đó là việc giao lưu giữa các vùng ngày càng thuận lợi, nhiều tỉnh, thành trong khu vực có số mắc sởi cao là điều kiện thuận lợi xảy ra dịch sởi trong địa bàn tỉnh, nên cần chủ động thực hiện các biện pháp giám sát, phòng chống kịp thời. Vừa qua, Sở Y tế Đồng Tháp đã chỉ đạo cho trong khu vực YTDP có văn bản yêu cầu các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố tăng cường giám sát, phòng, chống bệnh sởi thông qua các hoạt động như tăng cường công tác giám sát, phát hiện ca sốt phát ban nghi sởi tại các cơ sở y tế, trường học và cộng đồng; điều tra tất cả ca sốt phát ban nghi sởi trong vòng 48 giờ; thực hiện lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển theo quy định; triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định; tăng cường công tác tiêm sởi theo lịch thuộc Dự án Tiêm chủng mở rộng, lập kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm sởi cho trẻ từ 1 - 14 tuổi, dự kiến tổ chức vào quý 4 năm 2014; đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bệnh sởi,...
Hữu Nghĩa