Chuyện hát hò xưa và nay
Cập nhật ngày: 14/12/2022 10:48:37
ĐTO - Người Việt Nam mình rất thích hát hò, được chứng minh qua chèo, quan họ, hò, vọng cổ... Một số loại hình đã được thế giới công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Yêu thích hát hò ngấm vào máu thịt của dân ta, nhưng ngày nay đã bị biến tướng.
Ngày xưa, trong các lễ hội dân gian, khi lao động sản xuất hay bên chén trà, chung rượu, những tay đàn, giọng hát cất lên và sau đó không ít người trở thành nghệ sĩ vang danh, được vinh danh Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.
Khi nhà có tiệc mừng như đám hỏi, cưới, tân gia, sau vài ly rượu, chủ - khách hát hò, nếu không có đàn ghi ta, đàn nguyệt, đàn bầu của nhạc công tài tử trong xóm đến chia vui thì lấy đũa, muỗng gõ vào mâm, chén thay nhạc cụ. Khi gia đình có đám tang, những người có kèn lá, đàn cò, đàn nhị đến tấu lên những đoạn nhạc thê lương để chia buồn khi có người viếng và tiễn đưa người mất về cõi vĩnh hằng.
Ngày nay đã khác. Dù là chuyện vui hay buồn, chuyện hát hò bằng karaoke với loa công suất lớn hoặc dàn nhạc sống không còn là cá biệt.
Nhạc công tài tử trang bị thêm mi-cờ-rô và âm-ly, dù tiếng là góp vui hay chia buồn nhưng chủ nhà cũng phải tính chuyện phải quấy. Có người chỉ với cây đàn ghi-ta hoặc ọt-găng đeo trên vai, phía trước là âm-ly với mi-cờ-rô, phía sau chở thùng loa trên chiếc xe máy đi phục vụ là có thu nhập; nếu đàn hay, gặp khách sộp thì sau vài tiếng có thể kiếm tiền triệu.
Đến dự đám cưới, ngoài việc chia vui với cô dâu, chú rể cũng là dịp bạn bè, khách mời gặp gỡ thăm hỏi. Nhưng trong tiếng nhạc, tiếng hát ầm ỷ, dù ở nhà hay nhà hàng, khách sạn, người dự chỉ còn cách ăn và uống hoặc về sớm.
Đến dự đám tang, tiếng trống kèn vang rền, người viếng phải hét vào tai gia chủ lời chia buồn.
Bị tra tấn bởi tiếng đàn hát, trống kèn kéo dài từ ba bốn giờ sáng đến nửa đêm trước và sau đám tiệc, láng giềng chặc lưỡi: chuyện hiếu hỷ.
Ở xứ mình trước đây, khi muốn ca hát người ta vào quán karaoke, còn hiện nay chỉ bỏ ra chừng một triệu đồng mua dàn karaoke kẹo kéo là thỏa mãn chuyện thích ca. Có hay không có rượu cũng hát. Có hay không có bạn bè cũng hát. Nói chung hễ hứng lên là hát. Con cái trong nhà không học bài được quay sang hát. Phần lớn giọng hát chẳng âm nhập gì với điệu nhạc.
Hàng xóm không chịu nổi, nhưng sau vài lần đóng góp không kết quả đành chịu đựng bởi không muốn mang họa vào thân, bởi đã từng xảy ra không ít vụ án mạng mà nguyên nhân chính đều do hát karaoke gây ảnh hưởng người chung quanh.
Chính quyền địa phương biết hoặc nghe phản ánh chuyện hát hò trong đám tiệc hoặc karaoke tại nhà như vậy nhưng không xử lý, bởi là chuyện tế nhị, bởi không có thiết bị đo tiếng ồn theo quy chuẩn (mặc dù dùng phần mềm điện thoại cách cả cây số vẫn đo được tiếng ồn); ngán ngại tiếp cận nhắc nhở, lập biên bản, bởi hầu hết người vi phạm đã có rượu bia, bởi vân vân và vân vân.
Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó, Điều 22 đưa ra mức phạt tiền từ 140 triệu - 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên. Cụ thể, tại khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính tiếng ồn tối đa 70dBA trong thời gian từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối, từ đó đến sáng không quá 55 dBA.
Để dễ hình dung, chiếc xe máy lên chừng nửa ga đã gây ra tiếng ồn khoảng 80dBA.
Trong khi chờ thông tư hướng dẫn, công cụ đo tiếng ồn chuyên dụng để có căn cứ xử lý, một số nơi đã phát huy tốt vai trò Nhân dân, cán bộ tổ, ấp tuyên truyền, nhắc nhở, qua đó giảm bớt phần nào tình trạng hát hò làm ảnh hưởng xóm giềng.
Nếu chỉ vì thỏa mãn sở thích hát hò, không quan tâm đến những người chung quanh, dù được nhắc nhở hay bị xử phạt thì tình trạng hát hò trong đám tiệc, karaoke bất kể ngày đêm sẽ chưa sớm chấm dứt, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như từng xảy ra.
Hữu Ý