Kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11)

Đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Cập nhật ngày: 22/11/2022 17:29:36

ĐTO - Di sản Văn hóa (DSVH) Việt Nam là tài sản quý giá của dân tộc. DSVH bao gồm DSVH vật thể và DSVH phi vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.


Ca cổ tài tử trên sông Cao Lãnh (Ảnh Đ.D)

Bảo vệ và phát huy giá trị DSVH là nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng DSVH.

Ngay sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn DSVH dân tộc. Sắc lệnh đã phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn DSVH, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH của đất nước. Xuất phát từ ý nghĩa đó Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ - TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”.

Theo đó, việc kỷ niệm ngày DSVH có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị DSVH dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền ngày DSVH nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ DSVH trong toàn dân; động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH dân tộc.

Tỉnh Đồng Tháp - quê hương xứ sở Đất Sen hồng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc trong không gian văn hóa khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng triển khai một cách sâu rộng, đồng bộ mục tiêu bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có DSVH.

Đối với DSVH phi vật thể tại Đồng Tháp hiện đang được bảo tồn, phát huy hiệu quả, có 26 di sản, trong đó 3 DSVH phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục DSVH phi vật thể quốc gia như: hò Đồng Tháp: nghề dệt chiếu xã Định An, xã Định Yên, huyện Lấp Vò; nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu, huyện Lai Vung. Riêng nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO vinh danh là DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh DSVH phi vật thể là các lễ hội truyền thống, các di sản làm nghề thủ công truyền thống như nghề: nghề trồng hoa, kiểng; nghề làm bột; nghề làm bánh phồng tôm; nghề làm thớt; nghề làm gạch; nghề đan lưới; nghề rèn; nghề làm nem; nghề đan đát; nghề dệt choàng; nghề trồng quýt hồng;… cũng được đầu tư, bảo vệ và phát huy tốt.

Những năm qua, Đồng Tháp luôn quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa. Công tác truyền thông của hệ thống thông tin đại chúng được tăng cường trong việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức về Luật DSVH cho người dân, qua đó đã nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng, đặc biệt là đối với tuổi trẻ về việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH.

Công tác bảo vệ và phát huy DSVH tạo được sự đồng thuận và huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia. Nhiều di tích được bảo vệ, tu bổ, tôn tạo; nhiều di vật, cổ vật đã được thu thập, bảo quản; nhiều DSVH phi vật thể như các lễ hội đặc sắc, nghệ thuật truyền thống, văn hóa dân gian được sưu tầm, tư liệu hóa. Các cấp chính quyền địa phương từng bước nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý di tích, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội hoá công tác quản lý và bảo vệ di tích.

Kỷ niệm ngày DSVH Việt Nam (23/11) cũng là dịp để tất cả chúng ta  tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, trong đó, việc cần thiết và cơ bản chính là khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống văn hóa của quê hương xứ sở đất Sen hồng trong mỗi người dân tới toàn cộng đồng.

H.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn