Năm Thìn tản mạn chuyện rồng
Cập nhật ngày: 15/02/2024 05:45:06
ĐTO - Rồng là một con vật huyền thoại quen thuộc ở phương Đông và khá quen biết ở phương Tây. Ở Việt Nam, con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng và là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên”.
Con Rồng là một loại thú linh
Trong 12 con giáp chỉ có Rồng là con vật chưa ai thấy tận mắt bao giờ. Rồng là một loài vật xuất hiện trong thần thoại phương Đông và phương Tây. Trong cả phương Đông lẫn phương Tây, hình ảnh loài rồng đều được biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường. Rồng ở các nước châu Á được tôn thờ như thần vật. Rồng Tây phương bị coi là loài quái vật có hình tượng hung dữ nên các nước châu Âu coi rồng là biểu tượng của cái ác và sự hung dữ.
Văn hóa phương Đông rất kính trọng và coi rồng là một loại thú linh. Rồng có mình rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu và biết bay. Theo từ điển Việt Nam của Lê Văn Đức, rồng là con vật mình dài, có vảy to, miệng rộng, một sừng, chân có vấu, được sinh ra ở dưới nước nhưng lại biết bay trên mây. Người xưa tin rằng bốn biển lớn là Đông Hải, Tây Hải, Bắc Hải và Nam Hải, mỗi nơi đều có một Long Vương ngự trị. Về màu sắc, có các loại rồng xanh, trắng, đỏ, đen hay vàng. Trong số này, rồng vàng cao quý nhất nên được dùng để tượng trưng cho Thiên Tử. Vì vậy, áo của vua được gọi là Long Bào có thêu rồng vàng bốn chân, năm móng. Huyền thoại còn cho rằng rồng đực ngậm một viên ngọc rất quý trong miệng, do đó nhiều tranh cổ vẽ cảnh hai con rồng tranh một viên ngọc gọi là “Lưỡng Long Tranh Châu”. Đôi khi cũng có những bức tranh vẽ hai con rồng vờn mặt trăng gọi là “Lưỡng Long Chầu Nguyệt”. Rồng là con vật dễ vẽ nhất, không ai cãi được. Trong khi đó, 11 con giáp còn lại (Tí, Sửu, Dần Mão...) là có thực nên nếu vẽ sai thì ai cũng biết. Chính vì rồng là một huyền thoại nên nó được tôn vinh lên mức huyền bí. Trong tứ linh, Long Ly Quy Phụng thì rồng đứng hàng đầu. Long là con Rồng, Ly hay Lân là con Kỳ Lân, Qui là con Rùa và Phụng là một loài chim quý.
Con Rồng ở Việt Nam
Người Việt hãnh diện là “Con Rồng cháu Tiên”. Truyền thuyết kể: Lộc Tục, con vua Đế Minh, lên ngôi vua và lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi vua xưng hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, đẻ ra một cái bọc chứa một trăm quả trứng, nở ra một trăm người con. Ngày kia, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: Ta là dòng dõi Long Quân, tức là Vua Rồng. Còn khanh là dòng dõi thần tiên. Cả hai ăn ở lâu với nhau e rằng không ổn. Nay được một trăm đứa con, khanh hãy đưa năm mươi con lên núi, còn trẫm sẽ dẫn năm mươi đứa xuống biển. Từ truyền thuyết này mà người Việt Nam tự hào có “long phụ tiên mẫu”.
Người Việt Nam thời xưa tin tưởng rằng Rồng và Kỳ Lân là những linh vật mang biểu tượng của Thiên Tử, mỗi khi xuất hiện là có điềm lành hoặc minh chúa ra đời để mang thái bình thịnh trị cho thiên hạ. Từ đó có tục lệ múa Lân vào những ngày đầu năm trong dịp Tết Nguyên đán hay những ngày khai trương, lễ lạc, đám hỏi, đám cưới... để hy vọng sẽ được may mắn, thành công phát đạt.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình tượng rồng được ghép với uy quyền của nhà vua, như áo bào của vua gọi là long bào, sân điện là long đình, xe của vua là long giá, mặt vua là long nhan, râu của vua là long tu, giường vua nằm là long sàng, thân thể vua là long thể..., thuyền rồng để vua du thủy, bệ rồng là ngai vua ngồi... Trong thuật phong thủy, việc tìm đất để khai phá, làm nhà, nuôi trồng, hầu an cư lạc nghiệp cần xác định phương hướng, những mạch đất tốt chạy ngoằn nghoèo gọi là long mạch. Trong cái nhìn và quan niệm của văn hóa dân gian toát ra từ hiện thực cũng hay ví von “rồng bay phượng múa”, “rồng đến nhà tôm”, “song long chầu ngọc”, “gan rồng, mỡ phượng”, “vẽ rồng vẽ rắn”...
Rồng với những địa danh mang tên “Long”
Theo biên niên sử, ngày sáng lập ra triều đại nhà Lý thì có con rồng bay nên thủ đô được đặt tên là Thăng Long. Rồng không những là biểu tượng của vua, của sự thiêng liêng mà còn là biểu tượng của thân hình đất nước: Từ Bái Tử Long, Hạ Long, Bạch Long Vĩ, qua Thăng Long đến Cửu Long (chín rồng). Hãy mường tượng đất nước Việt Nam như một con rồng thì khúc đầu là miền Bắc, khúc giữa là miền Trung, khúc đuôi là Nam Bộ.
Ngoài ra, tại huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) có núi Rồng; ở Huế có núi Kim Long (có chùa Thiên Mụ), Bình Định có núi Hàm Long, Biên Hòa có núi Bửu Long, Long Ẩn; Hà Tiên có núi Dương Long. Từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, ta bắt gặp Long Khánh, Long Thành, Long Đất, Long Sơn, Long Điền, Long Giao (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu), Phước Long, Bình Long (Bình Phước); về sông nước miền Tây Nam bộ sẽ gặp Long An, Long Định (Tiền Giang), Long Hồ (Vĩnh Long), Long Mỹ (Cần Thơ), Long Xuyên (An Giang), Long Phú (Sóc Trăng)... nếu phải liệt kê xã, ấp mang tên con rồng, e khó mà kể xiết. Và sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến bến cảng nhà Rồng lịch sử.
Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và đã từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” của người Việt. Hiện nay, hình tượng con rồng tuy không còn tính chất thiêng liêng, tối thượng nhưng vẫn được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật... Cuộc sống hiện đại, con rồng đã được “dân sự hóa” đi vào từ đời sống tâm linh, tín ngưỡng đến các vật dụng của nhiều gia đình. Dọc dài lịch sử, con rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt Nam.
Nguyễn Đắc Hiền