Khu di tích Gò Tháp

Điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật ngày: 13/02/2024 05:14:51

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240213051820cx8.mp3

 

ĐTO - Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp là di tích hội tụ nhiều giá trị tiêu biểu về khảo cổ học, lịch sử, tâm linh tín ngưỡng và du lịch. Đặc biệt, vào các dịp lễ hội ở Gò Tháp thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về do nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, đây cũng là dịp để người dân vui chơi giải trí sau những tháng ngày lao động chăm chỉ. Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã bình chọn Khu di tích Gò Tháp là “Điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long năm 2023”.


Du khách tham quan
, cúng viếng tại Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương

NƠI HỘI TỤ NHIỀU GIÁ TRỊ

Khu Di tích (KDT) Gò Tháp có diện tích 289ha, tọa lạc trên địa bàn Ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Đây được xem là nơi hội tụ của nhiều giá trị to lớn về văn hóa, khảo cổ và lịch sử xa xưa nhất của vùng Đất Sen hồng, gắn liền với các giai đoạn lịch sử phát triển của Nam bộ.

KDT Gò Tháp được các nhà khảo cổ xác định là một Tiểu quốc của Vương quốc Phù Nam. Nơi đây lưu giữ gần như khá nguyên vẹn các di tích của nền Văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam với hơn 10 di tích kiến trúc đền thần Hindu giáo, ao thần, giếng thần, đường đi cùng nhiều di tích cư trú, xưởng chế tác... và nhiều bộ sưu tập hiện vật độc đáo như: tượng thần Hindu giáo, tượng Phật gỗ và đặc biệt là bộ sưu tập hơn 400 hiện vật vàng gồm các lá vàng, khuyên tai vàng, nhẫn vàng, sợi dây chuyền vàng... đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Bộ sưu tập hiện vật vàng Óc Eo - Gò Tháp nhiều nhất Việt Nam”. Gò Tháp Mười là gò lớn và cao nhất so với các gò trong KDT Gò Tháp. Trong lòng gò, các nhà khảo cổ học đã khai quật được di tích kiến trúc lớn, được xác định là đền thần Vishnu, thuộc nền Văn hóa Óc Eo được xây dựng từ thế kỷ thứ II, cùng nhiều hiện vật có giá trị... Đặc biệt là 2 pho tượng thần Vishnu rất đẹp, được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2013 và năm 2015, có niên đại khoảng nửa sau thế kỷ thứ VI và thế kỷ thứ VII.

Ngoài giá trị về khảo cổ, KDT Gò Tháp còn có giá trị lịch sử cách mạng. Thời kỳ chống Pháp, nơi đây từng là đại bản doanh của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều được Nhân dân xây dựng để tưởng nhớ công lao của 2 cụ trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Gò Tháp là căn cứ địa cách mạng của Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Gò Tháp là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt đánh sập Tháp Mười Tầng (Viễn vọng đài) của chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 4/1/1960 của quân và dân tỉnh Kiến Phong.


Các loại bánh dân gian và không gian Sen thu hút đông đảo người dân đến Chợ quê Gò Tháp

ĐIỂM DU LỊCH TIÊU BIỂU ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Tại KDT Gò Tháp có nhiều di tích hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lâu đời. Hằng năm, KDT Gò Tháp có 2 kỳ lễ hội truyền thống là lễ Vía Bà Chúa Xứ vào rằm tháng 3 âm lịch và lễ Kỷ niệm ngày mất 2 vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều vào rằm tháng 11 âm lịch. Mỗi kỳ lễ hội thu hút hàng trăm ngàn du khách thập phương về tham dự.

Miếu Bà Chúa Xứ Gò Tháp được người dân dựng bằng tre, lá từ những ngày đầu khai hoang lập ấp; là nơi thể hiện đậm nét tín ngưỡng dân gian nằm trong quần thể di tích lịch sử, văn hóa ở Gò Tháp. Thờ Bà Chúa Xứ là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu. Cũng với ý nghĩa đó, miếu Bà Chúa Xứ Gò Tháp được cư dân trong vùng dựng lên để thờ “Người Mẹ Xứ Sở” của Đồng Tháp Mười. Qua thời gian, miếu Bà Chúa Xứ được tu bổ và khánh thành đưa vào sử dụng năm 2020, đáp ứng nhu cầu cúng viếng, tham quan của du khách trong những ngày lễ hội.

Tại KDT Gò Tháp còn có ngôi chùa Tháp Linh (còn có tên là Tháp Mười Cổ Tự) được người dân khi khẩn hoang lập nghiệp cất đơn sơ trên Gò Tháp Mười để thờ Phật, cầu mong cuộc sống được bình an. Trải qua thời gian, ngôi chùa được dời về vị trí hiện tại và được Nhân dân trong vùng xây dựng lại khang trang để phục vụ khách hành hương đến chiêm bái, tham quan. Ngoài ra, Thiền viện Trúc Lâm Tháp Mười đang được xây dựng tại KDT Gò Tháp có quy mô 10ha, với điểm nhấn là Đại Bảo Tháp Định Quốc cao 99m. Khi hoàn thành, Thiền viện Trúc Lâm Tháp Mười cùng với các di tích tín ngưỡng, tôn giáo hiện có sẽ tạo thêm sự thu hút, phát triển du lịch tâm linh tại KDT Gò Tháp.

Cùng với đó, KDT Gò Tháp còn có khu sinh thái rộng hơn 160ha đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận là Khu bảo tồn đa dạng sinh học vào năm 2015. Nơi đây bảo lưu nhiều nét hoang sơ của hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười với nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu và được xem là vương quốc của sen... Công tác cải tạo, chăm sóc cảnh quan, vệ sinh môi trường tại KDT luôn được quan tâm, duy trì thực hiện thường xuyên. Để thu hút, đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách, Ban Quản lý KDT tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách như: tham quan và mua sắm với các gian hàng quà tặng, đặc sản Đồng Tháp; tham quan khu vực bằng xe đạp đôi, các trò chơi dân gian... Các tiểu cảnh ao sen, ao súng, cầu dẫn trên ao được đầu tư mới để phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh... Hàng năm, có hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan tại KDT. Đặc biệt, Chợ quê Gò Tháp được tổ chức vào ngày thứ 7 tuần cuối của mỗi tháng với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm nét dân dã của miền quê Nam bộ đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.


Phiên Chợ quê Gò Tháp được tổ chức mỗi tháng 1 lần vào thứ 7 tuần cuối tháng

Ông Trần Văn Năm - Phó Giám đốc Ban Quản lý KDT Gò Tháp cho biết, thực hiện Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch của UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, KDT Gò Tháp đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Gò Tháp theo định vị của Đề án phát triển du lịch “Vương quốc sen, văn hóa tâm linh, thiền học” gắn kết từ các yếu tố văn hóa bản địa; phát triển các tour, tuyến du lịch gắn kết với các địa điểm lân cận, tuyến đường như: Gò Tháp - Xẻo Quít; Gò Tháp - Tràm Chim, Gò Tháp với các điểm du lịch Đồng Sen Tháp Mười...

Cùng với đó, xây dựng Không gian sen hướng đến Bộ sưu tập sen và phát triển mô hình dịch vụ du lịch tham quan, trải nghiệm tại KDT Gò Tháp; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; duy trì, nâng cao chất lượng khai thác quầy đặc sản, sản phẩm quà tặng gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh để phục vụ khách du lịch.

Với những định hướng phát triển trên, kỳ vọng trong thời gian tới, KDT Gò Tháp sẽ ngày càng phát huy giá trị, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để thu hút đông đảo du khách từ các miền đất nước đến tham quan, trải nghiệm, giữ vững bình chọn là “Điểm du lịch tiêu biểu đồng bằng sông Cửu Long”.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn