Nàng thơ Sa Đéc

Cập nhật ngày: 12/02/2024 16:31:27

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240212043258ex2.mp3

 

ĐTO - Tôi không biết người ta có hay phải lòng một nơi chốn? Dù nơi chốn ấy, ta chỉ lướt qua vội vàng. Nhưng trong một thoáng vội vàng như vậy, lại bắt đầu đem lòng yêu mến, bằng một tình yêu đơn phương và thiết tha.

Sa Đéc chính là một nơi chốn như vậy. Của riêng tôi. Của riêng một góc đâu đó vừa xa xôi vừa gần gụi, đâu đó trong những rung động của ký ức và cả trong nhịp đập rộn ràng của trái tim, nơi lồng ngực phát ra xung động đánh thức cả những nỗi nhớ đã ngủ yên từ lâu lắm.


Bên dòng Sa Giang (Ảnh: Thanh Phong)

Hiển nhiên, để yêu, dù là một nơi chốn, hẳn phải bắt đầu từ một ấn tượng độc đáo gì đó. Với tôi, điểm bắt đầu của cuộc “chạm trán” Sa Đéc, có lẽ từ khi địa danh này được xướng lên trong câu hò ngân rung của những thợ cắt lúa “dần công” ở mảnh ruộng mênh mông sau nhà. Câu hò của buổi chiều nắng đã vàng, lúa đã vàng và tiếng chiều đang đi rất vội:

Tàu Nam Vang mũi đỏ

Ghe Sa Đéc mũi đen

Em ở chi nước rẫy, nước phèn

Theo anh về chợ đốt đèn măng sông.

Chẳng biết cô gái có chịu đón chiếc ghe Sa Đéc mũi đen, theo anh trai về chợ, để anh thắp lên ngọn đèn măng sông hực hỡ cho ngày trọng đại chưa? Mà rồi, lại nghe ai đó tiếp tục thở than cho mối tình trắc trở: 

Trai Sa Đéc, gái Bình Thành

Môn đăng hộ đối, sao mình lại chê...

Cứ như vậy, tôi thấy mình có Sa Đéc trong những giấc mơ của tuổi nhỏ. Những cuộc mường tượng về một nơi chốn đèn màu rực rỡ “phía bên kia sông Tiền”, khi nhà tôi ở, là phía bên này của dòng sông Cái Nhỏ. Cái cảm giác đi ngang qua theo đường chim bay là tới nơi thần thoại Sa Đéc đó, gần đến lạ lùng.

Sa Đéc chẳng những như vậy, mà còn hiện diện hầu khắp trong đời sống thường nhật của nhiều bà con cô bác, những người thiệt “kẻ quê” dành cho “kẻ chợ”. Hiện diện, bởi vì cần, cần Sa Đéc cho những cuộc sắm sanh tử tế những lễ giỗ quan trọng, những tiệc tùng, những ngày đón rước Tết. Đâu đó, tiếng ngoại bỏm bẻm vừa nhai trầu, vừa nhắc: “Mai thằng Út thức sớm chạy ghe chở chị Hai mày qua Sa Đéc mua đồ làm giỗ”. Bà ngoại nói như vậy, nhưng đâu chỉ có chị Hai với thằng Út, mà còn có bà ngoại, vấn cái khăn rằn quanh đầu ngồi giữa chỉ đạo cuộc mua sắm cho khỏi thiếu những thứ quan trọng. Nếu những người lớn bữa đó cần, sẽ cho thêm một hoặc hai đứa con nít đi theo, phụ việc coi chừng đồ đạc dưới ghe. Chỉ ngồi ở dưới ghe coi chừng đồ, chán lắm, nhưng những đứa con nít sẽ làm đủ thứ trò lấy lòng, để được theo ghe đi Sa Đéc. Trong chuyến đi, lại tiếp tục nghe chuyện nọ chuyện kia về miệt chợ này. “Vợ thằng Tám vừa sanh bên nhà thương Sa Đéc, chút ghé thăm luôn”, tôi nghe má nói. “Nhà thằng Tư gần cầu Nàng Hai”, “trường con Bảy dạy sát bên cầu Sắt Quay”, tôi nghe cậu Út của mình nói. In như vậy, tôi nghĩ Sa Đéc có lạ gì đâu, toàn người quen ở đó thôi mà.

Cứ vậy, những người ta quen, những điều ta nghe, khiến có cái gì đó về Sa Đéc cứ lớn dần lên trong tim, giống kiểu ta vẽ chân dung người ta thương trong trí, người đó, sẽ ngày một đầy đủ, đẹp đẽ.

Nghĩ về tình yêu đầu đời dành cho một nơi chốn của tôi, tôi nhận ra Sa Đéc chính là đô thị đầu tiên trong cuộc đời tôi đặt chân đến. Ở đó, Sa Đéc còn có những ngày thân thiết của lũ trẻ bên khu tập thể Sở Tư pháp mà ba tôi ở đó. Ở đó, còn có những ngày tôi nén trong lòng mình nước mắt khi vội vàng chia tay má mình, lúc má phải đến nhà thương nằm bệnh. Ở đó, có những ngày chính là tôi, sau trận sốt xuất huyết thổ cả huyết được điều trị mạnh khỏe trở lại, đã e dè bước từng bước nhỏ qua cầu Sắt, để ghé Trường Tiểu học Tân Long thăm người anh trai theo ba sang học trường này. Ở đó, lúc tôi đứng trên cầu Hòa Khánh nhìn xuống dòng Sa Giang, và quét mắt xuống những mái dù lô xô mé chợ, thấy lòng vừa vui vừa buồn. Vui vì Sa Đéc đẹp đẽ và màu nhiệm đã ở đây rồi, buồn vì một nỗi thắt thẻo của niềm vui sao mà ngắn thế, mai tôi đã phải trở về nhà đâu đó xa tít bên sông kia.

Anh đi qua cầu sắt

Anh nắm tay em thật chắc

Anh hỏi gắt người tình,

Bướm xa bông tại nhụy, hai đứa mình tại ai?

Cầu sắt trong câu ca dao nọ chắc không phải nói về cầu Sắt Sa Đéc đâu, nhưng tôi vẫn tưởng chúng dành cho cây cầu của tôi, con sông của tôi. Cô gái nhỏ trong bộ quần áo màu đỏ, đôi dép nhựa màu hồng được má sắm mới tinh từ chợ Nàng Hai, đi qua cầu và nghĩ về cái nắm tay chia biệt nọ. Dưới chân cầu, dòng Sa Giang vẫn là dòng cũ, nhưng con nước đã mới rồi. Cô gái bé nhỏ tần ngần bước vội qua, giật mình vì tiếng rập rình rầm rập của xe và những thanh sắt ở lòng cầu cựa nhau. Cô gái thấy chợ Sa Đéc giờ ở phía sau lưng mình, và trước mặt, là một thiên đường khác của cây, lá, hoa và những ngôi nhà dịu dàng cũ kỹ ẩn chứa những câu chuyện của một dòng sông và của một thị xã.

Yêu một nơi chốn rất khác việc yêu một con người. Bạn sẽ không sợ nơi chốn biến mất, bạn cũng không sợ những thay đổi chóng vánh và ngỡ ngàng, cũng không sợ mình bơ vơ. Bạn sẽ thấy thương quá những giờ đơn độc đi quanh phố và đắm chìm trong niềm hạnh phúc rực rỡ (như lúc người yêu đi bên người mình yêu) lúc bạn chạm vào ngôi nhà đó, cây cầu đó, tiệm bánh đó. Bạn đi quanh nơi chốn mình yêu – như Sa Đéc yêu kiều và e lệ của tôi - bạn dò dẫm trên thân thể cũ xưa và mảnh mai của nàng, nghe những ngọn gió mang đầy hơi nước từ những dòng sông, con rạch phả vào nàng. Trên thân thể cũ xưa nọ, vẫn còn đầy quyến rũ. Bạn nhè nhẹ lật giở những trang giấy vỡ vụn của thời gian và tìm kiếm lại những câu chuyện của chính mình với nơi chốn bạn yêu. Câu chuyện đó ở đâu đó trong từng mỗi lật giở đó, bạn thấy bạn nằm ở lườn ghe đậu trong lòng cầu Cái Sơn, chờ thương lái giữa đêm đến cân trái cây “từ bên kia Mỹ Hiệp chở qua”. Bạn thấy tàu ghe tành tạch trong xa vắng, thị xã về đêm cũng đi ngủ mất rồi. Giữa lúc im lắng này, bạn nghe “mùi thành thị” len chảy, khác biệt và kỳ lạ. Bạn đinh ninh đó chính là mùi của mấy bông hồng cổ mà bạn nhìn thấy trước một ngôi nhà cổ đang ráng nở những bông cằn cỗi. Hay mùi từ những ngôi nhà của trăm năm trước, màu tường vôi phai nhạt phủ rêu, nơi bạn nghĩ lịch sử của nơi này bắt đầu...

Sa Đéc của tôi, vẫn đẹp một cách kỳ lạ, trong cả những quãng dài của tuổi trẻ và của những mối tình đầu. Một nơi chốn bắt đầu cho một tình yêu. Một tình yêu bắt đầu từ lúc nào thì không thể nào biết được. Chỉ đến khi, chợt thấy tim mình sao nằng nặng, lòng mình vừa buồn bã vừa rạo rực, thì biết rõ ràng là mình đã yêu rồi. Nơi chốn có đáp lại tình yêu của bạn hay không? Tôi nghĩ là có, đó là sự chờ đợi trong bao dung, đó là lặng lẽ đem đến cho bạn sự chữa lành.

Chính lúc này đây, tôi nghĩ, mình cần phải gọi Sa Đéc là: Nàng thơ Sa Đéc. Đúng như vậy, chính là nàng thơ thăng trầm của tôi, nàng thơ đằm thắm và ẩn mình của tôi, nàng thơ trong sầu nhớ và vấn vít của tôi. Nàng vừa bận rộn, vừa chậm rãi, vừa phô bày, vừa bí ẩn giấu kín. Và nàng không thể lẫn vào đâu, trong muôn vàn địa danh về nơi chốn của miền Tây thương mến.

Bây giờ thì, có thể tôi đã hiểu tình yêu dành cho một nơi chốn. Đó là một điều gần như thiêng liêng hơn những gì tôi có thể diễn giải trong vốn từ ít ỏi của mình.

Như cách cái cây đem lòng yêu một ngôi nhà. Như cách ngôi nhà yêu mảnh đất. Như cách mảnh đất yêu những dấu chân.

Như cách tôi yêu, vào mọi thứ vốn dĩ, của Nàng thơ Sa Đéc.

Minh Phúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn