Phát huy giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển du lịch

Cập nhật ngày: 28/09/2023 05:36:45

http://baodongthap.com.vn/database/video/20230928053807DT2-7.mp3

 

ĐTO - Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Đồng Tháp là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển tổng hợp các loại hình du lịch: sinh thái; lịch sử, văn hóa, về nguồn. Sự phát triển du lịch trong những năm qua của tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhất là du lịch trên địa bàn dần dần phát triển theo hướng bền vững, chú trọng các mục tiêu cộng đồng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên.


Một hộ dân tại Làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự) - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia duy trì dệt choàng bằng phương pháp thủ công, góp phần phục vụ khách du lịch

Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp còn là địa phương có nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận. Các làng nghề, làng nghề truyền thống khá đa dạng, gắn chặt với cuộc sống và nhu cầu của cư dân địa phương như: đan đát lục bình, đan lờ lọp, đan cần xé, đan bội, đan thúng, rổ, đóng xuồng, ghe, dệt chiếu, dệt choàng, trồng hoa kiểng, làm bột, làm nem. Đây được xem là nguồn tài nguyên văn hóa bản địa độc đáo có sức thu hút mạnh mẽ với du khách và là nhân tố có khả năng làm nổi bật hơn bức tranh du lịch của tỉnh.

Du lịch làng nghề ngày càng hấp dẫn du khách, đang là xu hướng phát triển du lịch ở nhiều Quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội, hình thức du lịch này góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo từng vùng miền, Quốc gia, dân tộc. Mỗi làng nghề trong tỉnh Đồng Tháp đều có nét đặc sắc riêng, do đó, phát triển du lịch làng nghề là hướng đi mới mang lại lợi ích lâu dài, phù hợp với Đề án phát triển du lịch của tỉnh, góp phần vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân và bảo tồn những giá trị văn hóa địa phương. Tuy nhiên, các chương trình du lịch ở một số làng nghề trong tỉnh chủ yếu tổ chức tham quan, hoạt động trải nghiệm tại làng nghề kết hợp phát triển quà lưu niệm thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường và chưa khai thác cũng như phát huy giá trị văn hóa của làng nghề gắn với phát triển du lịch. Nguyên nhân là do thiếu các tour du lịch đến các làng nghề, sự tham gia phát triển du lịch làng nghề của người dân chưa cao, những dịch vụ phục vụ khách tham quan tại các làng nghề chưa đa dạng để thu hút du khách. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, khu và điểm du lịch trong tỉnh đón và phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách, (tăng 8,99%), tổng thu du lịch ước đạt 1.100 tỷ đồng (tăng 10,7%) so với cùng kỳ năm 2022.


Làng nghề trồng hoa kiểng ở Sa Đéc có lịch sử tồn tại hơn 100 năm, là làng hoa lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Du lịch có vai trò quan trọng, không chỉ đối với kinh tế mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao hình ảnh và niềm tự hào của người dân Đồng Tháp. Những làng nghề, làng nghề truyền thống trong tỉnh mang nét độc đáo riêng, là nơi lưu giữ, bảo tồn tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện tài năng của các nghệ nhân, mang bản sắc và tâm hồn của dân tộc. Chính vì vậy, cần trân trọng kế thừa, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa làng nghề. Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi mới, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, góp phần tạo việc làm cho người dân.

Đặc biệt, việc phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh cần sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của người dân để du lịch làng nghề sớm trở thành loại hình du lịch chủ đạo trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Qua đó, không những bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề, làng nghề truyền thống mà còn gắn với xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn