Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương

Cập nhật ngày: 21/09/2023 10:35:25

ĐTO - Từ năm 2022 đến nay, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh được khôi phục, đảm bảo mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Nổi bật, trong 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu và điểm du lịch trong tỉnh đón và phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách (tăng 8,99%), tổng thu du lịch ước đạt 1.100 tỷ đồng (tăng 10,7%) so với cùng kỳ năm 2022.


Du khách trong và ngoài tỉnh tắm cồn trên sông Tiền thuộc địa bàn huyện Hồng Ngự

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức dễ hiểu, dễ nhớ Chương trình phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương. Tỉnh triển khai các giải pháp ứng phó linh hoạt với dịch Covid-19, từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch với mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch hiệu quả.

Tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (Y tế, Công Thương) tổ chức kiểm tra thực tế và hướng dẫn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch, công bố trên Cổng Thông tin du lịch tỉnh đối với các đơn vị, cơ sở đạt tiêu chí “Cơ sở an toàn”. Đồng thời xây dựng Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”, nhằm phục hồi hoạt động du lịch theo lộ trình từ thị trường khách nội tỉnh, khách vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh đến khách trong nước, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của du khách và người dân.

TP Cao Lãnh tổ chức hoạt động mô hình “Chợ quê Tân Thuận Đông” được khai trương phiên đầu tiên vào ngày 3/12/2022, hoạt động định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần. Không gian “Chợ quê Tân Thuận Đông” tái hiện lại khung cảnh chợ xưa với các quầy hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương: các loại bánh dân gian, các món ngon miền Tây sông nước, thức uống dân dã, rau củ tại vườn, tôm cá sông tươi ngon. Khu vực phục vụ cho thiếu nhi với các trò chơi dân gian vui nhộn, ý nghĩa... Ngoài ra, người dân và du khách còn được trải nghiệm ngắm vườn cây ăn trái trên tuyến đường quê bằng xe đạp và giao lưu, thưởng thức đờn ca tài tử Nam Bộ.

Tỉnh tích cực triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp, đồng thời phát triển thương hiệu du lịch Đồng Tháp gắn với thương hiệu du lịch vùng. Tham gia gian hàng quảng bá du lịch, các sản phẩm quà tặng, sản phẩm OCOP của Đồng Tháp tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội năm 2022, Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 16 năm 2022 và giới thiệu Chương trình ẩm thực Sen Đồng Tháp đã được xác lập kỷ lục thế giới tại Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I.

Để thực hiện đạt mục tiêu ngành du lịch đóng góp từ 5 - 6% trong tổng giá trị GRDP của tỉnh trong năm 2023, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; nâng tầm quy mô và chất lượng sản phẩm dịch vụ, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương - Đồng Tháp là một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Triển khai xây dựng dự án Làng văn hóa du lịch Sen Tháp Mười gắn với phát triển ngành hàng sen. Phối hợp với TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh khai thác tuyến du lịch mới “Sắc màu vùng biên” (TP Hồ Chí Minh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Đồng Tháp kết nối với Sở VH,TT&DL tỉnh Long An và Sở VT,TT&DL tỉnh Tiền Giang tiếp tục hoàn thiện Chương trình du lịch “Hành trình ba địa phương, một điểm đến”, nhằm gia tăng tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài các địa phương.

Hàng năm, Sở VH,TT&DL tỉnh đều xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực gắn với từng loại hình dịch vụ du lịch và sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cơ sở du lịch, nhất là chú trọng đào tạo về kỹ năng nghề du lịch, các nghiệp vụ cần thiết phù hợp với xu hướng phát triển du lịch trong giai đoạn mới cho các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch. Thông qua công tác đào tạo, góp phần phổ biến kiến thức về phát triển du lịch cộng đồng cho các hộ dân tham gia khai thác dịch vụ du lịch và dịch vụ bổ trợ cho du lịch, nhằm tăng cường số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của phát triển du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn