Thư viện Đồng Tháp sẵn sàng mở cánh cửa tri thức

Cập nhật ngày: 21/12/2016 11:29:07

ĐTO - Năm 2016, Thư viện Đồng Tháp đã có những bước tiến đột phá trong công tác phục vụ nhu cầu đọc sách cũng như nâng cao kiến thức của các tầng lớp nhân dân; sẵn sàng lên đường phục vụ người đọc bất cứ nơi đâu, luôn mở cánh cửa tri thức “truyền lửa” cho người khuyết tật,...


Thiếu nhi tham gia hoạt động tại Thư viện tỉnh

Trong kỳ lễ hội Gò Tháp gần đây và lễ giỗ lần thứ 87 của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhiều du khách cảm thấy thích thú trước mô hình Thư viện lưu động phục vụ thiếu nhi và hàng loạt hoạt động đọc sách do Thư viện tỉnh thực hiện. Trong lúc đi hành lễ, chúng tôi bắt gặp rất đông thiếu nhi được người thân dẫn đến Thư viện lưu động. Tại đây, các em thích thú với: đọc sách giải ô chữ trên giấy, tô màu tranh vẽ, đố vui về sách, đố vui kiến thức, thiết kế bìa sách, sáng tác truyện tranh, đuổi hình bắt chữ,... Chị Lê Thị Vân ngụ ấp 3, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười cùng 2 con đi lễ hội Gò Tháp vào dịp kỷ niệm 150 năm ngày mất hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều cho biết: “So với những kỳ đi lễ hội Gò Tháp trước đây, năm nay tôi thấy 2 cháu vui hơn vì đây là lần đầu tiên Thư viện lưu động phục vụ thiếu nhi có mặt tại lễ hội Gò Tháp. Con tôi được tham gia các hoạt động về sách tô màu. Tôi thấy rất bổ ích”.

Không chỉ mô hình Thư viện lưu động phục vụ thiếu nhi thu hút đông đảo các em tham gia, trong năm 2016, Thư viện Đồng Tháp còn chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp Thư viện Khoa học tổng hợp TP.Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Chuyến xe tri thức” phục vụ nhân dân tại 8 xã biên giới, 4 xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh và tại 10 xã biên giới, Đồn biên phòng, xã nông thôn mới của tỉnh Kiên Giang, Bến Tre và Long An. Với hơn 3.000 tài liệu cùng các hoạt động đọc sách, báo, tra cứu cơ sở điện tử và các hoạt động từ sách... thu hút hơn 20 ngàn lượt người tham gia, thư viện góp phần phát huy vai trò, ý nghĩa của sách báo; đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường sự tham gia góp sức của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cá nhân đối với hoạt động thư viện.

Hoạt động đột phá nhất của Thư viện là phòng đọc dành cho người khuyết tật chính thức đưa vào hoạt động từ giữa năm 2016. Đây là nơi truyền ngọn lửa ham học cho những người khuyết tật, khiếm thị, trẻ em bán vé số, người lang thang cơ nhỡ,... trên địa bàn tỉnh. Thư viện đầu tư 3 bộ máy tính với phần mềm chuyên dụng, 3.000 bản sách chữ nổi và sách các loại, 300 đĩa CD dạng sách nói; tổ chức 4 lớp hướng dẫn sử dụng máy tính cơ bản và nâng cao, thi thử tài đánh máy và các hoạt động theo chuyên đề từ sách được tổ chức thường xuyên. Bên cạnh đó, trong năm 2016, Thư viện tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình, sáng kiến phục vụ cộng đồng hiệu quả như: “Con đường sách - Nét đẹp văn hóa đọc”, “Tuyên truyền giới thiệu sách học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thư viện lưu động phục vụ thanh thiếu nhi”, “Giới thiệu sách qua sóng phát thanh: Vườn tuổi thơ”, “Đọc sách cho con nghe”...

Trong công tác xây dựng đội ngũ người làm công tác thư viện, Thư viện tỉnh đã phối hợp hơn 30 cơ quan, đơn vị và hình thành nên lực lượng tình nguyện viên tham gia các hoạt động thư viện là học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, các trường học,... đặc biệt là các đơn vị phối hợp lâu dài như: Hội Khuyến học Đồng Tháp, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Cao Lãnh,... Từ những đột phá trong hoạt động, Thư viện tỉnh đã thu hút đa dạng các thành phần người đọc đến thư viện. Trong năm, Thư viện tỉnh đã phục vụ 600 ngàn lượt bạn đọc tìm đọc 1,2 triệu lượt tài liệu, đồng thời cấp mới 4 ngàn thẻ thư viện, qua đó góp phần nâng tỉ lệ đọc sách trong toàn tỉnh từ 0,6 bản sách/người/năm 2010 lên 0,9 bản sách/đầu người. Đơn vị cũng đứng đầu cả nước về số giờ sử dụng máy tính và truy nhập Internet do Dự án Bill Gates tài trợ; được Bộ Thông tin và Truyền thong tặng Bằng khen vì đã có thành tích là thư viện năng động vì cộng đồng phục vụ.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Giám đốc Thư viện Đồng Tháp cho biết, sắp tới Thư viện triển khai tốt các chương trình, đề án của Trung ương, tỉnh như: Đề án tạo dựng hình ảnh địa phương, Đề án phát triển du lịch, Tái cơ cấu nông nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đọc sách, tuyên truyền giới thiệu sách; phát huy các mô hình sáng kiến trong các hoạt động thông tin tuyên truyền tại Thư viện tỉnh, tăng cường sử dụng lực lượng tình nguyện viên là sinh viên...

Như Anh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn