Xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận

Cập nhật ngày: 18/12/2022 09:44:17

ĐTO - Ngày 17/12, phát biểu chỉ đạo trong hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’ tại Bắc Ninh, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: "Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, một trong những yêu cầu bức thiết được đặt ra là cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về văn hóa, đáp ứng các yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới".


Quang cảnh hội thảo

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chỉ rõ: "Nền văn hóa giàu bản sắc của dân tộc đã là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước ta vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử. Những năm qua, đặc biệt là những năm đất nước đổi mới, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước; tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp; sự chủ động, nỗ lực của ngành Văn hóa, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực".

Tuy nhiên, theo đồng chí Võ Văn Thưởng, vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Môi trường văn hoá có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Văn hóa phẩm độc hại, thông tin tiêu cực trên Internet, mạng xã hội tác động xấu đến giới trẻ, gia đình và xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Công tác đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa chưa ngang tầm nhiệm vụ. Chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tính tích cực xã hội của nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hóa... Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cơ chế, chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống xã hội. Công tác tổ chức thi hành pháp luật, chính sách về văn hóa vẫn là khâu yếu. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng. Một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa có luật để quản lý. Nhiều chính sách đối với văn nghệ sĩ đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi.


Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo hội thảo

Nhận định thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực. Đây cũng là vấn đề khó, được xác định là một trong những điểm nghẽn lớn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị:

Thứ nhất, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa. Phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội... Văn hóa thấm sâu, chi phối toàn bộ đời sống xã hội, vào từng con người, từng gia đình và cộng đồng, vì thế, thể chế, chính sách về văn hóa vừa phải có cái riêng, đồng thời phải được lồng trong thể chế, chính sách về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng với tư cách văn hóa là nền tảng, đồng thời là mục tiêu của các lĩnh vực này; phải phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện.

Thứ hai, thể chế, chính sách phát triển văn hóa vừa phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, coi trọng các yếu tố đặc thù của văn hóa, vừa phải giữ gìn, kế thừa hồn cốt, các giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam. Thể chế, chính sách văn hóa phải vừa tạo động lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam, vừa để giới thiệu, truyền bá văn hóa Việt Nam với thế giới.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thể chế, cơ chế, chính sách phải chú trọng tính đặc thù, bảo đảm phát triển đúng định hướng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo của cá nhân với mục đích đúng đắn. Bên cạnh đó, phải tập trung nghiên cứu, xây dựng thể chế, chính sách cho những lĩnh vực mới như phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa; tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới phục vụ cho phát triển đất nước; ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động...

Thứ ba, thể chế, chính sách về văn hóa phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, thực sự hiệu lực, hiệu quả, tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển văn hóa; phân cấp, phân quyền minh bạch, xác định rõ quyền hạn, nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện; quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, chính sách phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm. Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu; kiên quyết chống tiêu cực, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ trong pháp luật, chính sách. Trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách phải bám sát thực tiễn, giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh; phải bình tĩnh, nghiên cứu thấu đáo những vấn đề thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận, nhưng cũng không được bỏ qua hoặc để chậm làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Những vấn đề đã rõ, được kiểm nghiệm trong thực tiễn, có sự thống nhất cao thì xây dựng, ban hành luật, chính sách.

Thứ tư, nguồn lực cho phát triển văn hóa không chỉ là tài chính, cơ sở vật chất, mà còn là nguồn lực con người, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống dân tộc... không chỉ là nguồn lực của nhà nước, mà còn nguồn lực của toàn xã hội. Vì thế, nếu có được thể chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, bao quát, sẽ khơi thông được nguồn lực to lớn của đất nước cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đương nhiên, với trách nhiệm của mình, bên cạnh chăm lo xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, Nhà nước phải tăng cường nguồn lực vật chất cho phát triển văn hóa, tương xứng với tăng trưởng kinh tế; nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa... Thực tiễn, kinh nghiệm thế giới cho thấy, nếu có được thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện tốt, hoạt động văn hóa không chỉ là “tiêu tiền" mà còn đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia.

Thứ năm, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị phải nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng pháp luật, chính sách văn hóa; phải phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách; nghiêm túc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của luật pháp, chính sách về văn hóa. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật. Phát huy tính năng động, tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là Chính phủ trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách. Nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa và giám sát việc thực hiện. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, chính sách; chú trọng thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn tham gia xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa.

Theo MAI AN (SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn