Về một cách tiếp cận trong tập tiểu luận - phê bình thứ hai của Lê Văn Mí

Cập nhật ngày: 12/07/2023 10:22:15

ĐTO - Có thể khẳng định, hiện nay, ở Đồng Tháp, Lê Văn Mí là một trong ít cây bút viết lý luận - phê bình sung sức nhất. Anh không chỉ xuất hiện đều trên mặt tạp chí “Văn nghệ” (thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp) với những bài viết có “sức nặng” về văn chương tỉnh nhà mà còn liên tiếp trong 2 năm cho ra 2 đầu sách (“Văn chương - một cách tiếp cận” - 11/2021 và “Hình tượng tác giả Nguyễn Du trong Truyện Kiều” - 12/2022). Đây là một kỷ lục trong lĩnh vực “khó” - lý luận - phê bình, không chỉ tại Đồng Tháp mà còn cả trong vùng và cả nước.

Nghiên cứu về Nguyễn Du và “Truyện Kiều” thì không thể đếm xuể các công trình khảo cứu, nghiên cứu và đầu sách từ xưa đến nay, trong đó có nhiều tác phẩm và tác giả “vang bóng” như: Đào Duy Anh; Trương Tửu; Phan Ngọc; Trương Chính; Lê Đình Kỵ... Tuy nhiên, hầu hết các công trình chủ yếu đi sâu tìm hiểu tác phẩm “Truyện Kiều”, tuy có bàn về tác giả Nguyễn Du, nhưng không hoặc ít tách ra như một đề tài riêng (chỉ có một số ít như: “Thi hào dân tộc Nguyễn Du” - Xuân Diệu, 1966 (sách);  “Nói về Nguyễn Du và Truyện Kiều” - Trương Chính, 1965 (bài viết); “Quan niệm về con người và nghệ thuật của Nguyễn Du” - Lê Đình Kỵ, 1994 (bài viết)...). Đặc biệt, coi tác giả Nguyễn Du như là một thành tố trong “Truyện Kiều” (không phải ở ngoài với vai trò tác giả) thì càng hiếm.

Vấn đề hình tượng tác giả trong tác phẩm văn chương là một nguyên lý không mới của lý luận văn học (chương 1 của cuốn sách, Lê Văn Mí đã đề cập và lý giải khá cụ thể, kỹ càng). Tuy nhiên, nghiên cứu về nó từ trước đến nay là chưa nhiều. Nguyễn Du và trong “Truyện Kiều” cũng thế, như nói ở trên. Nhắc như vậy để thấy rằng, cuốn sách “Hình tượng tác giả Nguyễn Du trong Truyện Kiều” của Lê Văn Mí là một cách trong những tiếp cận độc đáo, mới mẻ, rất đáng quan tâm, trân trọng. Ở đây, Lê Văn Mí đã coi tác giả Nguyễn Du là một hình tượng trong chính tác phẩm “Truyện Kiều”. Ông không chỉ là một tác giả ngoài tác phẩm, sáng tạo ra tác phẩm mà đã trở thành một thành tố của tác phẩm, là hồn cốt của tác phẩm.

“Hình tượng tác giả Nguyễn Du trong Truyện Kiều” của Lê Văn Mí gồm 6 chương và phần “Tài liệu tham khảo”, trong đó có 3 chương chính (Chương 2: Hình tượng tác giả Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” thể hiện qua việc hoán cải chủ đề “Kim Vân Kiều truyện”; Chương 3: Hình tượng tác giả Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” thể hiện qua việc xây dựng mô hình tự sự mới và việc gia tăng tính trữ tình của tác phẩm; Chương 4: Hình tượng tác giả Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” thể hiện qua việc xử lý ngôn ngữ và hoàn thiện thể loại).

Nhìn một cách khắt khe thì còn có đôi điều phải bàn thêm về các luận điểm mà Lê Văn Mí nêu ra ở trên. Ví dụ như luận điểm ở chương 3 với các thuật ngữ “mô hình tự sự mới” và “tính trữ tình”, bởi đây gần như là các phẩm chất muôn thuở của một tác phẩm tự sự nhưng được thể hiện qua thể thơ lục bát trữ tình như “Truyện Kiều”. Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể, có thể nói, Lê Văn Mí đã có những khám phá, lý giải, minh chứng khá thuyết phục, qua đó, nhằm tôn hình tượng tác giả Nguyễn Du như là một thành tố quan trọng của tác phẩm, cấu thành tác phẩm “Truyện Kiều”.

Trong một bài giới thiệu sách ngắn, chỉ xin trích nêu một số ví dụ cụ thể sau đây: 1. Luận điểm mang tính khái quát sau đây trong chương 2 của cuốn sách mà Lê Văn Mí nêu ra đã cho thấy việc tìm hiểu tác giả với tư cách là một hình tượng của tác phẩm là có cơ sở: “Do đó, hình tượng tác giả trong “Truyện Kiều”, ngoài những yếu tố được đề cập đến như cái nhìn, giọng điệu và sự tự biểu hiện thì vấn đề hoán cải chủ đề trong “Truyện Kiều” được xem như một phương tiện biểu hiện khác của phạm trù này”; 2. Trong phần kết của chương 3, Lê Văn Mí viết: “Những việc làm ấy (làm rõ mô hình tự sự mới; gia tăng tính trữ tình - T.S) góp phần làm hiện lên chân dung một Nguyễn Du đầy sáng tạo, giàu tình cảm và có thiên hướng cách tân văn học”; 3. Đoạn kết chương 4, Lê Văn Mí nhấn mạnh: “Chân dung Nguyễn Du hiện lên như một đại diện tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam trung đại ở thể loại truyện thơ Nôm. Ngôn ngữ thơ trong “Truyện Kiều” đạt đến một trình độ điêu luyện và có khả năng diễn tả sâu sắc tiếng nói tâm hồn. Nguyễn Du trở thành một nghệ sĩ ngôn từ chẳng ai sánh kịp, nhất là trong thể loại lục bát thuần chất Việt Nam”...

“Hình tượng tác giả Nguyễn Du trong Truyện Kiều” của Lê Văn Mí là một tác phẩm không chỉ mang đến cho đông đảo độc giả cách tiếp cận mới mẻ về Nguyễn Du và “Truyện Kiều” mà hơn thế, còn góp phần hỗ trợ, giới thiệu những cách tiếp cận phong phú, đa dạng đối với giáo viên và học sinh khi dạy - học tác giả, tác phẩm này trong trường phổ thông hiện nay.

Với sự đồng cảm và ngưỡng mộ đích thực, xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn