Tân Hồng

Chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Cập nhật ngày: 21/12/2015 12:28:37

Toàn huyện Tân Hồng hiện có 590 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, trong đó 482 cơ sở thuộc ngành y tế quản lý; 4 cơ sở gồm chế biến cà phê, chế biến khô trâu, 104 cơ sở sản xuất rượu, tạp hóa, lò bún, lò bánh mì, bánh tráng do ngành công thương quản lý. Dù các cơ sở hoạt động với số lượng lớn, nhưng công tác quản lý, giám sát, lấy mẫu, kiểm tra các cơ sở được cơ quan chức năng phối hợp thực hiện thường xuyên.


Nhân viên thú y kiểm tra nguồn gốc gia cầm tại chợ (ảnh minh họa)

Từ năm 2010, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) huyện thực hiện Chiến lược Quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2010-2020 với 5 mục tiêu: quản lý, ngăn ngừa, nâng cao kiến thức thực hành, cải thiện các vấn đề liên quan đến ATVSTP. Các mục tiêu được Ban Chỉ đạo cụ thể hóa theo từng kế hoạch, triển khai đến các xã, thị trấn trong huyện. Vấn đề truyền thông, vận động người dân sử dụng thực phẩm an toàn được ngành y tế, công an, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống truyền thanh; Ban Giám hiệu các trường tuyên truyền việc sử dụng thực phẩm an toàn đến học sinh. Ngành y tế còn truyền thông qua tờ rơi, băng-rôn ở khu vực đông dân cư, truyền thông theo nhóm đối tượng, góp phần chuyển biến tích cực của người dân về việc sử dụng thực phẩm an toàn. 95% các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn được tham gia các lớp tập huấn do ngành y tế, công thương thực hiện. Toàn huyện có 13 công, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn. Đội ngũ này đều được Chi Cục ATVSTP tỉnh tập huấn chuyên môn. Trung bình mỗi năm, đoàn liên ngành kiểm tra 500 cơ sở, trong đó các cơ sở đạt điều kiện trung bình chiếm 80%. Những trường hợp vi phạm được nhắc nhở, xử lý kịp thời, góp phần ngăn chặn thực phẩm ô nhiễm lưu thông ra thị trường. Tính đến tháng 12/2015, trên 40% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 90% bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Do thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu tuyên truyền đến khâu kiểm tra, xử lý vi phạm, từ năm 2010 đến năm 2015, huyện Tân Hồng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP huyện tiếp tục nâng cao kiến thức, thực hành về thực phẩm đối với các đối tượng, hướng đến mục tiêu từ 80% - 100% người tiêu dùng, người sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm có kiến thức thực hành đúng. 80% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 100% bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm... UBND huyện Tân Hồng cũng đã phân công trách nhiệm đối với Phòng Y tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Công an huyện... tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt ATVSTP. Đối với khu vực biên giới, các đơn vị liên quan cần làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ nhập lậu thực phẩm, hóa chất phụ gia; thực hiện thanh, kiểm tra trước, sau khâu sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các chợ đầu mối. Các hội đoàn thể địa phương có trách nhiệm tập huấn, tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao ý thức khi kinh doanh, chế biến thực phẩm; khuyến khích hội viên sử dụng đúng cách các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn