Đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần

Cập nhật ngày: 25/07/2012 16:17:55

Theo “Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng (PHCN) cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí (NTT, NRNTT) dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020” đã được Chính phủ phê duyệt, 90% số NTT có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số NTT lang thang được PHCN luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 90% số NRNTT có nguy cơ cao bị tâm thần, NTT được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác.


Chăm sóc người già tại Trung tâm Bảo trợ xã hội

Trên địa bàn tỉnh, kết quả rà soát đối tượng tâm thần năm 2010 cho thấy, toàn tỉnh có trên 4.360 NTT, chiếm 0,26% dân số, trong đó có 2.570 người bệnh tâm thần nặng, lang thang có hành vi gây nguy hiểm đến gia đình và cộng đồng (trong đó có 1.054 người tâm thần phân liệt, 996 người rối loạn tâm thần). Riêng số bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh có danh sách quản lý tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp là 262 người.

Trung bình mỗi năm, tỉnh phát hiện mới 352 người mắc bệnh tâm thần phân liệt và động kinh, trong đó 54% là tâm thần phân liệt. Như vậy ước tính đến năm 2015, toàn tỉnh có khoảng trên 3.500 NTT phân liệt, RNTT cần được xã hội, cộng đồng hỗ trợ chăm sóc và giúp đỡ.

Thực hiện Chương trình Quốc gia chăm sóc sức khỏe NTT, những năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm sóc người bệnh tâm thần. Đến cuối năm 2011, chương trình đã được triển khai tại 57/144 xã, phường, thị trấn. Khoa Tâm thần thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng đã khám và điều trị thường xuyên cho khoảng 8.986 lượt bệnh nhân mỗi năm, trong đó có khoảng trên 500 lượt bệnh nhân nội trú. Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 1.446 NTT được hưởng chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, mức trợ cấp 270 ngàn đồng/người/tháng, được cấp thẻ BHYT, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí.

Khó khăn hiện nay là trên địa bàn tỉnh chưa có các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn trị liệu tâm lý, các nhà xã hội để trợ giúp chăm sóc nuôi dưỡng và PHCC tại cộng đồng cho NTT, NRNTT; phần lớn các gia đình người bị bệnh tâm thần đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có khả năng tiếp tục chữa trị... Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chưa được đầu tư xây dựng mở rộng, diện tích qui mô và cơ sở vật chất không đảm bảo. NTT nặng, người cao tuổi, người khuyết tật nặng, trẻ mồ côi... được nuôi dưỡng, quản lý trong khu vực chung của Trung tâm, không có phân khu tách biệt nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận quản lý chăm sóc đối tượng. Vấn đề này, ông Lê Phước Rạng - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết, về mặt cơ sở vật chất, các phòng ở Trung tâm trước đây được xây dựng chủ yếu là để nuôi người già và trẻ nhỏ, chưa có khu chăm sóc và PHCN cho NTT đúng qui định. Về mặt nhân lực, Trung tâm cũng chưa có bộ phận thực hiện chăm sóc y tế và trị liệu cho NTT. Tạm thời, Trung tâm đã dành một số phòng và tiếp nhận một số đối tượng tâm thần lang thang, vô gia cư hoặc gia đình khó khăn không thể nuôi dưỡng, quản lý (thuộc diện đã điều trị tạm ổn, không kích động, quậy phá). Nhưng để thực hiện tốt Đề án của Chính phủ, Trung tâm cần được mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị dành riêng cho NTT, đồng thời bổ sung bộ phận chuyên môn chăm sóc và PHCN cho NTT.

Được biết, Sở LĐ-TB&XH đang xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và PHCN cho NTT, NRNTT dựa vào cộng đồng giai đoạn 2015-2020 trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó có việc lập dự án đầu tư nâng cấp mở rộng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh với đầy đủ các khoa phòng chuyên môn để tiếp nhận, quản lý chăm sóc nuôi dưỡng NTT, NRNTT.

Đầu tháng 7 vừa qua, bà Trần Thị Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã đến thăm và làm việc với Trung tâm Bảo trợ xã hội. Trước thực tế khó khăn của Trung tâm, Phó Chủ tịch Trần Thị Thái chỉ đạo Sở LĐ - TB&XH sớm lập các thủ tục chuyển ngành chức năng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án mở rộng Trung tâm Bảo trợ xã hội, nhằm từng bước đáp ứng mục tiêu hỗ trợ chăm sóc, PHCN cho NTT để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa NRNTT bị tâm thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Trường Sơn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn