Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Bình
Điều hành hoạt động tín dụng chính sách hiệu quả
Cập nhật ngày: 25/12/2022 14:13:04
ĐTO - Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Thanh Bình điều hành hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn có hiệu quả, đảm bảo người nghèo, các đối tượng chính sách đủ điều kiện và có nhu cầu được vay vốn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Nhân viên tín dụng thường xuyên thăm hỏi, giám sát nguồn vốn vay thực hiện mô hình sản xuất của người dân. Ảnh: D.ÚT
Phương thức cho vay chủ yếu tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Bình là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Đoàn Thanh niên huyện, Hội Cựu chiến binh huyện, Hội Nông dân huyện). Tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội trên là hơn 354 tỷ đồng với hơn 14.460 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng hơn 97% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại đơn vị. Có thể nói, phương thức cho vay này thể hiện tính ưu việt vì huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Chính phủ, tỉnh, huyện đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp người dân biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Điển hình, trường hợp của bà Ngô Thị Tiến là hộ nghèo ở ấp 1, xã Tân Mỹ, năm 2020, bà được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Bình cho vay 40 triệu đồng thực hiện mô hình nuôi dê. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Phường ngụ ấp 3, xã Bình Tấn là hộ khó khăn, năm 2021, ông được vay 40 triệu đồng thực hiện phương án nuôi heo sinh sản, đến nay, tổng đàn heo của gia đình ông khoảng 100 con. Ông Phường chia sẻ: “Tôi tiếp cận nguồn vốn vay thuận tiện, Phòng giao dịch NHCSXH huyện làm hồ sơ xét vay vốn nhanh chóng. Từ nguồn vốn vay này đã tạo điều kiện cho tôi chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống”.
Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78 ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Bình cho vay được gần 50.160 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt trên 627.280 triệu đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 382.000 triệu đồng.
Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Thanh Bình trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Bình, nguồn vốn tín dụng chính sách thật sự góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 22,5 triệu đồng/người vào năm 2002 lên 50,2 triệu đồng/người vào năm 2022 (tăng hơn 2,2 lần so với năm 2002), giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2021 xuống còn 3,54% và phấn đấu cuối năm 2022 giảm còn 2,54%, đời sống của người dân, đặc biệt là đời sống người nghèo ngày càng được cải thiện.
Ông Lê Hữu Định - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thanh Bình, chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi thấy người dân nhanh chóng bắt tay vào phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Các chính sách của Chính phủ đã tiếp thêm sức mạnh cho người dân, giúp họ an tâm sản xuất; tự tin vươn lên thoát nghèo cho dù cuộc sống phía trước vẫn còn không ít khó khăn. Phòng giao dịch NHCSXH huyện luôn tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiều giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chúng tôi chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, giám sát hiệu quả nguồn vốn vay, đồng thời đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện”.
DƯƠNG CẦM