Niềm tin từ những chuyển giao kỹ thuật cao trong lĩnh vực y tế

Cập nhật ngày: 21/01/2023 06:26:46

ĐTO - Thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe Nhân dân, các bệnh viện trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế từ các bệnh viện tuyến trên, tạo điều kiện cho đội ngũ y, bác sĩ tiếp cận các kỹ thuật cao, góp phần nâng chất lượng khám, chữa bệnh và tạo sự hài lòng đối với người bệnh.


Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo cho bệnh nhân

“Làm chủ” kỹ thuật mới

Trước đây, những trường hợp gãy xương phức tạp, điều trị các chấn thương và bệnh lý của vùng cột sống thắt lưng, vùng cột sống cổ hoặc đặt stent động mạch vành, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp phải chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện tuyến trên điều trị. Sự “chuyển mình” trong công tác điều trị của BVĐK Đồng Tháp bắt đầu khi thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020. Tiếp nối Đề án này, trong những năm qua, BVĐK Đồng Tháp tiếp tục nhận được sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Đại học (BVĐH) Y Dược TP Hồ Chí Minh trên 3 lĩnh vực: chấn thương chỉnh hình (CTCH), tim mạch (TM) và ngoại thần kinh (NTK).

BVĐK Đồng Tháp đã cử 10 bác sĩ đến BVĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật các lĩnh vực trên. Qua đó, các bác sĩ được đào tạo nâng tầm về chuyên môn, chủ động học tập và thực hiện được nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực: CTCH, TM, NTK. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Trung Nghĩa - Phó Trưởng Khoa CTCH BVĐK Đồng Tháp, cho biết: “Tôi được các chuyên gia, bác sĩ của BVĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác điều trị, thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực CTCH. Tôi cảm thấy rất phấn khởi khi được tiếp cận, học tập các kỹ thuật cao. Tôi luôn xem đó là cơ hội tốt và không ngừng nỗ lực học tập nâng cao tay nghề để điều trị cho người bệnh tốt hơn”.

Trong năm 2022, thông qua Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 27 do BVĐK Đồng Tháp và Liên chi Hội CTCH TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tại BVĐK Đồng Tháp, y, bác sĩ của BVĐK Đồng Tháp được các chuyên gia đầu ngành báo cáo tham luận, chia sẻ các nội dung: Chiến lược xử trí gãy xương trong đa chấn thương - từ điều trị toàn diện sớm, kiểm soát thương tổn chỉnh hình đến kết hợp xương chính thức an toàn; phương pháp xử lý khớp háng nhân tạo nhiễm trùng; phẫu thuật cột sống... Đặc biệt, ê-kíp bác sĩ Khoa CTCH BVĐK Đồng Tháp thực hiện thành công 2 ca thay khớp gối nhân tạo và 2 ca phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước bằng phương pháp nội soi. Trong đó, có 1 ca thay khớp gối nhân tạo được sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật từ Liên chi Hội CTCH TP Hồ Chí Minh. Qua thời gian được tiếp cận các kỹ thuật cao trong công tác điều trị của các bệnh viện tuyến trên, hiện nay, đội ngũ y, bác sĩ BVĐK Đồng Tháp có thể thực hiện được các kỹ thuật như: nội soi khớp, thay khớp gối, khớp háng; mổ kết hợp gãy xương phức tạp; đặt stent; điều trị các chấn thương và bệnh lý của vùng cột sống thắt lưng, vùng cột sống cổ; mổ gãy cột sống thắt lưng, điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên, những năm qua, BVĐK Sa Đéc được Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) chuyển giao các kỹ thuật về sản phụ khoa như: điều trị sản giật, tiền sản giật, băng huyết sau sinh; cắt tử cung cấp cứu;... Đặc biệt, năm 2022, BVĐK Sa Đéc được Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim tạm thời. Kỹ thuật này đã hỗ trợ xử trí kịp thời cho nhiều bệnh nhân qua cơn nguy hiểm. Bác sĩ chuyên khoa I Ngụy Minh Mẫn - Phó Trưởng Khoa TM - Lão khoa BVĐK Sa Đéc, cho biết: “Hiện nay, BVĐK Sa Đéc triển khai thực hiện được kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, sang năm 2023, tiếp tục triển khai kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Đây được xem là bước tiến trong lĩnh vực TM tại bệnh viện, góp phần cứu chữa kịp thời cho người bệnh. Việc được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật giúp tôi có thêm động lực tiếp tục rèn luyện, nâng cao chuyên môn phục vụ tốt cho người bệnh”.


Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc thực hiện kỹ thuật đặt máy tạo 
nhịp tim tạm thời cho bệnh nhân

Chăm sóc người bệnh tốt hơn

Việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên đã và đang mang lại nhiều hiệu quả. Hiện nay, BVĐK Đồng Tháp, BVĐK Sa Đéc đã giải quyết được các ca bệnh khó, phức tạp trong lĩnh vực: CTCH, TM, NTK, sản phụ khoa. Từ đó, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng tại địa phương, giảm chi phí điều trị bệnh, thời gian đi lại.

Cô Nguyễn Kim Trà (SN 1955, ngụ Khóm 4, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười) được điều trị khỏi căn bệnh thoái hóa khớp gối. Cô Trà chia sẻ: “Tôi cũng có ý định đi các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh để phẫu thuật nhưng đắn đo đường xa, chi phí cao. Con trai tôi được người quen cho biết ở BVĐK Đồng Tháp có chương trình phẫu thuật thay khớp gối nên đưa tôi đến để phẫu thuật và điều trị. Qua đó, tôi được bác sĩ thực hiện phẫu thuật thay khớp gối thành công, giúp tôi đi lại thuận lợi, tôi rất mừng”. Đối với trường hợp chú Nguyễn Đức Toản (62 tuổi) ngụ xã Hòa Thành, huyện Lai Vung bị bệnh tim, thường bị ngất nên gia đình rất lo lắng. Qua chẩn đoán, các bác sĩ BVĐK Sa Đéc phát hiện chú Toản bị hội chứng suy nút xoang, nhịp tim đập chậm nên bác sĩ cho nhập viện hồi sức, đặt máy tạo nhịp tim tạm thời để chuyển lên tuyến trên đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Nhờ có kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, các bác sĩ đã giúp chú Toản vượt qua cơn nguy hiểm của bệnh tật.


Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp 700 giường đưa vào hoạt động góp phần nâng chất lượng khám, điều trị cho bệnh nhân

Với những kỹ thuật được học tập và sự trợ giúp của các chuyên gia từ bệnh viện tuyến trên, đến nay, BVĐK Đồng Tháp đã phẫu thuật thay khớp gối, thay khớp háng cho khoảng 150 ca, mổ kết hợp gãy xương phức tạp khoảng 100 ca/năm, điều trị các chấn thương và bệnh lý của vùng cột sống thắt lưng, vùng cột sống cổ 100 ca/năm; can thiệp, hồi sức TM khoảng 100 ca/năm. Bác sĩ chuyên khoa II Hồ Huy Cường - Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BVĐK Đồng Tháp, cho biết: “Thời gian qua, nhờ được chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên và tỉnh quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị như: hệ thống nội soi khớp, hệ thống kính vi phẫu thuật, máy DSA, đưa vào sử dụng BVĐK Đồng Tháp 700 giường... giúp BVĐK Đồng Tháp thực hiện được các kỹ thuật cao, chăm sóc tốt cho người bệnh. Năm 2023, BVĐK Đồng Tháp tiếp tục gởi nhu cầu đến BVĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ... để được hỗ trợ đào tạo, chuyển giao thêm các kỹ thuật cao trong lĩnh vực: CTCH, TM, NTK và ung thư nhằm góp phần nâng chất lượng công tác khám và điều trị cho bệnh nhân”.

Những cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực y tế của tỉnh đã tạo điều kiện cho người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng tại địa phương, giảm chi phí điều trị. Với sự tiếp nhận kỹ thuật cao trong điều trị, góp phần nâng chất lượng công tác điều trị tại các bệnh viện, mang đến niềm tin, sự hài lòng cho người dân, chung tay cùng với tỉnh thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn