Chuyện ở Bệnh viện Tâm thần Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 12/08/2013 05:05:05

Chứng kiến những ánh mắt nhìn vô định, tiếng cười la, khóc than méo mó trên khuôn mặt bơ phờ và những câu nói êm dịu, ngọt ngào, than thân chờ đợi của bệnh nhân tâm thần làm tôi không khỏi bịn rịn trước những phận người gặp biến cố trong đời. Không một cuộc sống trọn vẹn, không tự chăm sóc được bản thân, ngày dài sống trong hoang tưởng, nhớ nhung... những tưởng bệnh nhân tâm thần sẽ cô đơn phía sau khung cửa bệnh viện, nhưng với tấm lòng những “thiên thần áo trắng” đã xem người bệnh như người bạn, người thân trong gia đình, giúp cho họ có niềm tin hơn trong cuộc sống.


Dạy liệu pháp cho bệnh nhân ổn định tâm lý

Những người “khó tánh”

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Hồng Đào vừa mở cửa dãy Khoa Điều trị nam, các bệnh nhân đang đi đi lại lại trên hành lang bệnh viện vui mừng, có người nhảy thót lên chạy lại đứng trước mặt chị bảo: “Chị Đào, ngày mai em xuất viện về nhà nghe”, điều dưỡng Đào hỏi: “Nhưng em thấy mình khỏe chưa?”, bệnh nhân trả lời: “Em chưa khỏe”. Một bệnh nhân nam khác chạy lại với vẻ mặt hớn hở khoe: “Chị Đào, vài bữa nữa vợ em xuống thăm em” rồi vừa đi vừa hát, lát sau bệnh nhân tiếp tục quay lại với câu nói ấy. Hỏi ra mới biết bệnh nhân này chưa có vợ con, những lời nói đó chỉ là do chứng bệnh hoang tưởng mà ra.

Đối diện Khoa Điều trị nam là Khoa Điều trị nữ. Buổi cơm chiều, các nữ bệnh nhân cầm muỗng múc cơm ngồi ăn ngon lành nhưng thỉnh thoảng có người vừa ăn vừa cười một mình, có người ngồi khóc, người thì bưng tô cơm lên ngắm nghía rồi để xuống. Bệnh nhân Trang thấy tôi bước ngang phòng bệnh vội để tô cơm xuống nền gạch chạy lại nắm chặt tay tôi với vẻ mặt thất thần nài nỉ: “Bác sĩ ơi, tôi yêu chồng tôi lắm, cho tôi về với chồng đi, chồng không bỏ đi đâu, chồng thương tôi lắm, thương lắm, tối nay chồng điện cho tôi nữa nè, nhớ chồng lắm chồng ơi”.

Vừa dứt tiếng, chị Trang nghẹn ngào lấy hai bàn tay ôm mặt khóc. Các điều dưỡng vẻ mặt đầy cảm thông bước lại gần an ủi chị. Không gian im lặng bao trùm. Thỉnh thoảng tôi quay lại nhìn chị, tô cơm chiều để bên cạnh đã nguội lạnh, vẻ mặt chị cứ buồn buồn, nhìn xa xăm, hai tay cứ se se vạt áo, rưng rưng khóc.


Bệnh nhân tham gia sinh hoạt văn nghệ

Mỗi bệnh nhân đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa phần là những người khỏe mạnh, bệnh phát lên do một biến cố nào đó trong đời sống ảnh hưởng đến tâm lý. Bác sĩ Võ Thị Bảy - Phó Giám đốc Bệnh viên Tâm thần Đồng Tháp cho biết: Kể từ khi nhập viện, có người điều trị nội trú chưa đầy một tháng rồi về nhà, có người lâu hơn và là trong số 78 bệnh nhân nội trú sẽ có chục bệnh nhân ở lại nơi này điều trị đến cuối đời vì bệnh nặng hoặc không có người thân chăm sóc. Bệnh tâm thần có nhiều hình thức như tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần nghiêm trọng, các dạng rối loạn thường gây hậu quả về sức khỏe tâm thần như động kinh, khuyết tật thần kinh, tổn thương,... do đó người bệnh không tự chủ được mình.

“Thiên thần áo trắng”

Với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần Đồng Tháp, bị bệnh nhân mắng chửi là chuyện thường xuyên. Không ít lần điều dưỡng còn bị bệnh nhân tấn công. Ngay sau khi về công tác tại Bệnh viện, bác sĩ Võ Thị Bảy vừa đặt chân xuống Khoa Điều trị nữ thì đột nhiên bị một bệnh nhân mắng: “Mày ở với ai lần đầu có chữa bắt tao nuôi”, sau đó liên tiếp là những lời chửi rủa. Về lại phòng làm việc của mình, bác sĩ Bảy không tỏ vẻ tức giận hay lo sợ mà chỉ nghĩ làm việc với cả tấm lòng, lương tâm và nghề nghiệp của mình. Vào Khoa Điều trị nam để khám sức khỏe, Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Hồng Đào cũng không ít lần bị bệnh nhân chửi rất “nặng”, thậm chí còn bị bệnh nhân tấn công từ phía sau.


Điều dưỡng Lê Thị Bích Nga vệ sinh móng tay cho bệnh nhân

Trong một lần bệnh nhân bị kích động, điều dưỡng Lê Thị Bích Nga đưa bệnh nhân vào phòng, lúc chị đóng cửa lại thì bệnh nhân bất ngờ đẩy cửa thật mạnh làm đầu ngón tay cái của chị bị đứt lìa, phải nghỉ cả tháng mới vô làm lại. Nguy hiểm là vậy nhưng với tấm lòng vì người bệnh, các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây chẳng những không ngán ngẫm mà còn tích cực chăm sóc, an ủi họ, khiến cho nhiều người nhà bệnh nhân khâm phục, quý trọng.

Tình thương yêu, chia sẻ, động viên và sự chịu khó mà bác sĩ, điều dưỡng nơi đây đối với bệnh nhân không khác gì tình thâm giữa những người thân trong gia đình. Điều dưỡng Lê Thị Bích Nga dẫn một bệnh nhân nam ra ngoài sân cắt móng tay, các bệnh nhân nam khác cũng đi theo đưa tay cho chị Nga cắt móng giùm, mặc dù những bệnh nhân này đã được chị Nga vệ sinh móng tay trước đó một ngày.

Gần 80 bệnh nhân điều trị nội trú, không phải ai cũng tự đi vệ sinh được, có người bệnh nặng tiêu tiểu giữa hành lang hay trong phòng ngủ để rồi sau đó các điều dưỡng phải làm công việc dọn dẹp; những bài hát, bài thơ bệnh nhân đòi cô điều dưỡng tâm lý trẻ Phạm Thị Mỹ Phú dạy đi dạy lại nhiều lần nhưng cô không một lời trách phiền, bởi cô coi những bệnh nhân như người nhà của mình. Và sự cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân chính là những liệu pháp giúp mang lại kết quả điều trị tốt đẹp cho các bệnh nhân, nhất là về mặt tinh thần.

Chiều tối, bệnh viện yên ắng hơn. Khi tôi ra về là lúc cửa được các điều dưỡng đóng lại, bên tai tôi nghe những tiếng gọi “mẹ ơi”, “anh ơi” và cả tiếng khóc của các bệnh nhân, có người đầu tóc bạc trắng từ nhà nghỉ thân nhân chạy vào với con, tôi quay lại nhìn thì nhận ra ngoài những bà mẹ ngồi kề bên những gương mặt thất thần ấy còn có cử chỉ dỗ dành của những “thiên thần áo trắng”.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn