Phát triển nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu - hợp tác xã phải là đầu tàu
Cập nhật ngày: 16/04/2019 19:40:42
Ngày 16/4, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tham dự và chủ trì diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan. Diễn đàn có sự tham gia của gần 300 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành, Ban Kinh tế Trung ương và đại diện các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ.
Quang cảnh diễn đàn.Ảnh: MỸ LÝ
Thời tiết cực đoan đang nhấn chìm tiềm năng nông nghiệp của ĐBSCL
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, thời gian qua, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt được nhiều thành tựu quan trọng và trở thành vùng nông nghiệp chiến lược của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Trong giai đoạn 2010 - 2017, nông nghiệp ĐBSCL đóng góp trung bình 34,6% GDP nông nghiệp cả nước và 33,5% GDP chung của vùng. Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP nông nghiệp ĐBSCL đạt 3,41%/năm. Cùng với những thành tựu đạt được thì ĐBSCL lại đang đứng trước nhiều thách thức của cơ chế thị trường và biến đổi khí hậu (BĐKH).
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (bìa phải) đánh giá cao các sản phẩm khởi nghiệp của Startup Đồng Tháp
Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp phát triển, tuy nhiên, thời gian qua BĐKH và thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL.
Những năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở khu vực này tăng 0.50C, lượng mưa tăng từ 6,9% - 19,8% (trong giai đoạn 1958 - 2014), tăng nhiều vào mùa mưa và có mưa trái vụ. Mực nước biển dâng khoảng 95,2mm (trung bình 3,40mm/năm trong giai đoạn 1986 - 2014).
Tình trạng nhiệt độ tăng, lượng mưa thay đổi, nước biển dâng kết hợp với hệ thống đập thủy điện và các công trình lấy nước ở thượng nguồn sông Mê Kông đã và sẽ làm thay đổi chế độ lũ theo hướng cực đoan hơn ở thượng nguồn vùng đồng bằng và làm gia tăng xâm ngập mặn ở vùng hạ nguồn.
Hệ quả của những thay đổi cực đoan này góp phần làm cho chất lượng đất ngày càng suy giảm, ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước, gia tăng rủi ro và chi phí cho sản xuất nông nghiệp; gây tổn thương cho người nghèo do thiếu nguồn lực, thiếu thông tin, cơ hội để có thể kịp thời ứng phó với BĐKH.
Từ những ảnh hưởng nặng nề của BĐKH đang diễn ra ở ĐBSCL và trong điều kiện sản xuất nông nghiệp nên vai trò hỗ trợ, cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra, liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị của các HTX nông nghiệp sẽ càng trở nên cần thiết và quan trọng.
HTX là giải pháp cứu cánh cho nền nông nghiệp bị tổn thương
Chia sẻ về giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh BĐKH như hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, giải pháp để ĐBSCL phát triển bền vững thích ứng với BĐKH là tổ chức lại không gian sản xuất, quy mô sản xuất, quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng. Điều quan trọng là, để tăng sức cạnh tranh thì các chuỗi ngành hàng nông sản phải được hình thành và khi đó, HTX phải trở thành chỗ dựa, phát huy kinh tế hộ đang manh mún, nhỏ lẻ, giữ vai trò liên kết với doanh nghiệp.
HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng. HTX là giải pháp duy nhất để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân cùng nhau thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện BĐKH. HTX hoạt động dựa trên triết lý lợi thế về quy mô, hợp tác của nhiều thành viên sẽ trở thành sức mạnh cộng đồng thích ứng với điều kiện BĐKH. Không có HTX đủ mạnh, hoạt động hiệu quả sẽ không thể thay đổi cấu trúc các ngành hàng nông sản cũng như lịch thời vụ phù hợp với BĐKH, thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên nước như trong thời gian qua. Tuy nhiên, để HTX đảm đương được sứ mệnh lịch sử của mình thì HTX cần phải được giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ chính quyền địa phương.
Chia sẻ về vấn đề này, nhiều đại biểu cũng kiến nghị Chính Phủ cần thay đổi cơ chế hỗ trợ đối với các HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tiến sĩ Trần Minh Hải - Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn kiến nghị Chính phủ có sự thay đổi cơ chế, chính sách để thúc đẩy HTX phát triển. Tăng cường thu hút doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào HTX, tạo điều kiện để ngân hàng có cơ chế cho HTX vay tín chấp bằng hợp đồng liên kết. Đặc biệt, nâng chất nguồn nhân lực cho HTX là vấn đề cốt lõi để một HTX có thể sống và hoạt động tốt...
Xây dựng cánh đồng thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc ứng phó với BĐKH cũng là một giải pháp hữu hiệu giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL được thuận lợi hơn trong tương lai. Chia sẻ tại diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Tổng Giám đốc Công ty RYNAN Technologies Việt Nam cho rằng, nền nông nghiệp tương lai là nền nông nghiệp không thể tách rời với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Khoa học - công nghệ sẽ là nền tảng quan trọng giúp cho nền nông nghiệp thích nghi tốt trong điều kiện khí hậu đang có nhiều bất lợi. Song song đó, xây dựng các kênh thương mại điện tử để hoạt động giao thương, kinh doanh các mặt hàng nông sản được thuận lợi hơn là những giải pháp mà các HTX nông nghiệp cần hướng đến.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nông nghiệp tại vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thích nghi với BĐKH trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ - CP, trong đó đã xác định rõ BĐKH và nước biển dâng là xu thế tất yếu, cần phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để đạt được những mục tiêu trên, thì HTX nông nghiệp kiểu mới đóng vai trò chủ đạo. Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp ở ĐBSCL thích ứng trong cơ chế thị trường trong bối cảnh BĐKH. Phải xác định mô hình HTX nông nghiệp ứng phó với BĐKH góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và giảm thiểu rủi ro cho các thành viên HTX. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Các Bộ, ngành, địa phương khi ban hành chương trình hành động của mình, cần phải có kế hoạch cụ thể. Đề nghị từng địa phương, trên cơ sở kết quả đạt được, phải chú trọng nâng cao chất lượng và phát triển các mô hình tốt”.
Mỹ Lý