KỶ NIỆM 50 NĂM CHIẾN THẮNG “HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG” (12/1972 - 12/2022)
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - ý chí và niềm tin tất thắng
Cập nhật ngày: 06/12/2022 10:01:38
ĐTO - Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cùng với thắng lợi trên chiến trường cả nước, buộc đế quốc Mỹ ký Hiệp định Paris “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, rút hết quân viễn chinh về nước, làm thay đổi căn bản cục diện chiến tranh, mở ra thời cơ chiến lược để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Mô hình máy bay tiêm kích Su30MK2 đặt trong khuôn viên Trung đoàn không quân 935 thuộc Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân
Bối cảnh, âm mưu đế quốc Mỹ
Sau thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965), đầu năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam và sử dụng không quân, hải quân đánh phá ra miền Bắc. Bị thất bại liên tiếp trên cả 2 miền Nam - Bắc, ngày 1/11/1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố chấm dứt ném bom, kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất và chuyển sang Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định. Trên cả 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, ta đều giành thắng lợi to lớn. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Ngày 6/4/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc với quy mô lớn hơn, ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất; trong đó, Mỹ sử dụng cả máy bay B-52 ném bom đánh phá các tỉnh miền Bắc. Quân và dân miền Bắc chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, vượt lên khó khăn ác liệt, lập nhiều chiến công lớn, đánh bại các cuộc đánh phá của không quân Mỹ, cục diện chiến tranh chuyển hướng có lợi cho ta.
Đầu tháng 10/1972, ta đưa ra dự thảo Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và phía Mỹ chấp thuận bản dự thảo này. Tuy nhiên, sau khi tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, Ních-xơn trắng trợn lật lọng, xóa bỏ dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận, đòi Việt Nam phải sửa 126 điểm mà trước đó phía Mỹ đã hoàn toàn nhất trí và tuyên bố ngừng đàm phán vô thời hạn với ta.
Để cứu vãn tình hình, tháng 12/1972, đế quốc Mỹ âm mưu tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52, gây sức ép, buộc ta chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đồng thời đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm lung lay ý chí quyết tâm chiến đấu chống Mỹ của Nhân dân Việt Nam; đe dọa phong trào đấu tranh của Nhân dân thế giới. Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai, trong đó, Mỹ huy động gần 50% tổng số máy bay B-52 hiện có (193/404); hơn 1/3 tổng số máy bay chiến thuật cả tiêm kích và cường kích (1.077/3.041 chiếc trong đó có 1 biên đội F-111 với 50 chiếc), hàng trăm máy bay trinh sát, máy bay gây nhiễu, máy bay tiếp dầu, máy bay chỉ huy liên lạc dẫn đường; 1/4 tổng số tàu sân bay của toàn nước Mỹ (6/24 chiếc), 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7...
Ngày 14/12/1972, Ních-xơn chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh “Lai-nơ-bếch-cơ II” (nghĩa là cứu bóng trước khung thành II) nhằm đánh hủy diệt, khủng bố, làm tê liệt ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta, buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện chúng đưa ra ở Hội nghị Paris.
Diễn biến chính, tổn thất của Mỹ
10 giờ 30 phút ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc. Lúc này, quân và dân toàn miền Bắc đã vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.
Trong 12 ngày đêm (từ 18 - 29/12/1972), đế quốc Mỹ sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc. Riêng Hà Nội, Mỹ sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã hủy diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà (gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga); giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội.
Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, vượt lên khó khăn ác liệt, trong 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ gồm: 34 chiếc B-52 (Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi 32 chiếc); 47 máy bay chiến thuật các loại, máy bay trực thăng và máy bay trinh sát không người lái; bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái (trong 12 ngày đêm, không quân Hoa Kỳ mất gần 100 phi công bị tiêu diệt và bị bắt), đây là những phi công kỳ cựu, có giờ bay cao, có phi công đạt hơn 6.000 giờ bay. Tỷ lệ tổn thất máy bay của Mỹ chỉ tính riêng B-52 lên 17,6% (34/193 chiếc), đây là tổn thất khủng khiếp đối với Mỹ (thông thường trong chiến tranh, những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất máy bay của phe tiến công khoảng 1-2%).
Trước sự thất bại thảm hại trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc Việt Nam, lúc 7 giờ ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận trở lại Hội nghị Paris. Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết.
Nguyên nhân, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm
Chiến thắng vĩ đại “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” do nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản là: Sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và Nhân dân làm nên chiến thắng. Quân và dân ta đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng kẻ thù. Được sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và Nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới; đặc biệt, Chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II bị phản đối mạnh mẽ trên khắp thế giới và trong chính nước Mỹ, Nhân dân biểu tình đòi Chính phủ phải chấm dứt ném bom ở miền Bắc Việt Nam.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta có ý nghĩa dân tộc và thời đại vô cùng sâu sắc.
Đối với dân tộc Việt Nam, đây là một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Thắng lợi này, quân và dân ta đã viết tiếp những trang sử vàng chiến công chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc Việt Nam; là ý chí, quyết tâm “Dám đánh, biết đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; là đỉnh cao của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng không nhân dân, phòng tránh, đánh trả cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ.
Đối với thời đại, đây là chiến thắng của chế độ XHCN ở miền Bắc và cả dân tộc ta, với mục tiêu cao cả “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đây là đòn đánh lịch sử, mở đường cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam; góp phần tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của phong trào cách mạng thế giới đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã chứng minh sức sống của học thuyết Mác-Lênin về chiến tranh, cách mạng và giá trị tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu: Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, của cấp ủy các cấp; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng; tăng cường sức mạnh, ý chí chiến đấu, xây dựng tinh thần chủ động, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng. Kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, vừa đánh, vừa tìm cách đánh sáng tạo. Chủ động nắm, nghiên cứu, phân tích, dự báo, đánh giá đúng tình hình; thường xuyên theo dõi, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, nắm vững lực lượng, phương tiện, ý đồ và hướng tiến công chủ yếu của địch để có phương án tác chiến phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Xây dựng lực lượng vũ trang 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân, phòng không nhân dân vững chắc; phát huy tốt vai trò nòng cốt của các lực lượng thường trực phòng không - không quân (PK-KQ). Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, của Nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Đại biểu dự Hội nghị Báo cáo viên Trung ương các tỉnh phía Nam thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Trung đoàn không quân 935 thuộc Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân (tháng 11/2022).
Phát huy tinh thần chiến thắng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Kế thừa và phát huy tinh thần Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay, tại Hội nghị Báo cáo viên Trung ương khu vực phía Nam tháng 11/2022, đại tá Ngô Quốc Chung - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng PK-KQ cho biết: “Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về quân sự, quốc phòng, đặc biệt là những nhận thức mới, tư duy mới về quốc phòng Việt Nam. Tập trung xây dựng Quân chủng PK-KQ “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...”.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xung đột vũ trang, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các thách thức an ninh phi truyền thống, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ... đã và đang tạo ra nhiều thời cơ, thách thức lớn trong các lĩnh vực. Nắm chắc và dự báo đúng tình hình, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc, coi trọng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tự vệ, đập tan mọi âm mưu, hành động xâm lược, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thời gian đã lùi xa 50 năm, nhưng âm hưởng Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn vang vọng mãi khí phách anh hùng, tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; thể hiện đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó là chiến thắng từ sức mạnh chính trị, tinh thần của dân tộc Việt Nam; trong đó, xây dựng sức mạnh nhân tố chính trị, tinh thần, ý chí, niềm tin tất thắng của bộ đội và Nhân dân ta là bài học thành công nhất, có ý nghĩa quyết định nhất, còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Phu Sắc