Diện mạo nông thôn và đời sống người dân vùng biên ngày càng thay đổi

Cập nhật ngày: 14/12/2021 05:58:42

ĐTO - Qua triển khai thực hiện Kết luận số 27 ngày 20/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X) về định hướng phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới đã có bước phát triển khá toàn diện. Việc thực hiện các đề án, chương trình như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững; Đề án phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự 8 xã biên giới; Chương trình cụm tuyến, dân cư đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cơ bản về nơi định cư cho người dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại khu vực biên giới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Đến cuối năm 2020, có 15/22 xã khu vực biên giới được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng 11 xã so với năm 2015), thị xã Hồng Ngự được công nhận là đô thị loại 3, là thành phố thuộc tỉnh và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.


Nuôi cá tra xuất khẩu được xem là thế mạnh trong phát triển kinh tế ở vùng biên giới của tỉnh

Hệ thống hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Các cơ chế, chính sách phát triển biên giới của Trung ương và địa phương thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. TP Hồng Ngự được kết nối với thị trấn Sa Rài (huyện Tân Hồng), thị trấn Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) và 2 đô thị Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng) và Cửa khẩu Quốc tế Thường Phước (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự) tạo nhiều động lực thúc đẩy kinh tế khu vực biên giới phát triển. Hệ thống chợ, cửa khẩu được đầu tư kiên cố, cặp Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp, Việt Nam) - Bontia Chak Cray (Prây-veng, Vương quốc Campuchia) được bổ sung vào Nghị định thư vận tải giữa hai nước Việt Nam và Campuchia, tạo cơ hội phát triển giao thương, đi lại, gắn kết mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất ở 8 xã biên giới chưa đa dạng, quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết. Kinh tế biên mậu phát triển chậm, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ. Đời sống của dân cư còn khó khăn so với mặt bằng chung của cả tỉnh...

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới theo hướng bền vững, ổn định dân cư, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, góp phần tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia. Xây dựng khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đầu tư phát triển đô thị gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biên giới, đẩy mạnh kinh tế biên mậu. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng phát triển khu vực biên giới. Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững phù hợp với điều kiện khu vực biên giới, nhất là tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thị trường; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn trên cơ sở phát huy các thế mạnh: trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày; nuôi thủy sản nước ngọt (nhất là cá tra quy mô công nghiệp, cá tra giống), bò sinh sản - bò vỗ béo... theo điều kiện của từng địa phương.

Phát triển kinh tế nông thôn dựa trên nền tảng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với chủ thể là người dân, tạo động lực phát triển nông thôn, chú trọng nâng cao năng lực cộng đồng thông qua phát triển kinh tế tập thể, mô hình hội quán; phát huy tính tự chủ của người dân trong sản xuất, chế biến nông sản, tiếp cận tri thức, phát triển sản phẩm OCOP, tìm kiếm thị trường, du lịch nông thôn. Khuyến khích phát triển dự án khởi nghiệp, tổ chức lại sản xuất các ngành nghề đặc trưng, thế mạnh của địa phương, thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng khu vực biên giới theo hướng kết nối, liên kết, phù hợp với yêu cầu phát triển và khả năng nguồn lực thực hiện. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy) kết nối với các vùng lân cận và phía bạn Campuchia để tạo động lực cho cả khu vực biên giới. Tập trung khai thác lợi thế kinh tế của 2 cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà, Thường Phước và 4 cửa khẩu phụ: Sở Thượng, Á Đôn, Thông Bình và Bình Phú; đồng thời khuyến khích giao thương, trao đổi hàng hóa giữa người dân hai nước Việt Nam và Vương quốc Campuchia.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn