Tập trung xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn có hiệu quả
Cập nhật ngày: 20/06/2021 17:04:55
ĐTO - Năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chuyên môn thực hiện các công tác tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là giải quyết các vấn ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực thu gom chất thải sinh hoạt, y tế, nuôi trồng thủy sản, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; xử lý, cải tạo phục hồi môi trường các bãi rác có hiệu quả.
Mô hình xây dựng các hố thu gom và xử lý rác thải thuốc bảo vệ thực vật được người dân tích cực thực hiện
Việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định của pháp luật và thẩm quyền phân cấp. Chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao, góp phần hạn chế việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát các chủ dự án, nhà đầu tư tuân thủ các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án cũng được tăng cường thực hiện.
Tỉnh tiếp nhận 49 hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, 15 hồ sơ đề nghị xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường, 17 hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường dự án và các hồ sơ kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc cấp huyện, thành phố xác nhận. Nhìn chung, các thủ tục hành chính trong công tác bảo vệ môi trường được thực hiện đúng trình tự theo quy định và tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoàn thiện thủ tục nhanh, gọn và thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra nhắc nhở tình hình chấp hành pháp luật để các cơ sở biết và thực hiện đúng các cam kết.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã chứng nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường triệt để và xóa tên 5 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gồm: Bệnh viện Đa khoa khu vực Tháp Mười, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự, Trung tâm Y tế huyện Thanh Bình, Bệnh viện Quân Dân Y Đồng Tháp và Bệnh viện Tâm thần Đồng Tháp. UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND TP.Sa Đéc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án “Xử lý nước thải, chất thải cải thiện môi trường làng bột chăn nuôi heo xã Tân Phú Đông”; đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí thực hiện xử lý ô nhiễm triệt để tại một số bãi rác trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo và yêu cầu tất cả các khu công nghiệp triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 khu công nghiệp đang hoạt động và đều đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp được thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã nhắc nhở các cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh áp dụng các biện pháp và công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh và đưa vào vận hành hệ thống tiếp nhận và tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường tỉnh Đồng Tháp, kết nối dữ liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục từ các nhà máy có lưu lượng xả thải nước thải, khí thải thuộc đối tượng quan trắc tự động theo Nghị định số 38 và Nghị định số 40 của Chính phủ. Trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị là Nhà máy Bia Sài Gòn Đồng Tháp (Công ty Cổ phần tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây) tại khu công nghiệp Trần Quốc Toản, Phường 11, TP.Cao Lãnh; hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu Công nghiệp Trần Quốc Toản với công suất 250m3/ngày/đêm đã truyền dữ liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, thu gom, xử lý chất thải nguy hại. Kết quả đã tổ chức thu gom, xử lý 24,7 tấn chất thải là bao gói thuốc bảo vệ thực vật; đầu tư, bố trí hơn 1.500 hố thu gom và 9 khu vực lưu chứa tập trung trên địa bàn toàn tỉnh. Đối với chất thải y tế nguy hại, 100% khối lượng phát sinh (khoảng 1,1 tấn/ngày) được thu gom, xử lý theo mô hình xử lý cụm tập trung. Đồng thời tiếp tục thực hiện Quyết định số 491 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, nhất là việc thống nhất đầu mối quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
|
DŨNG CHINH