Độc đáo giống cam ruột đỏ của nông dân ở Lai Vung

Cập nhật ngày: 18/10/2017 14:27:40

ĐTO - Dù mới “bén rễ” gần đây ở vùng đất Lai Vung, song giống cam ruột đỏ của anh Huỳnh Hoàng Sơn ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà vườn trong khu vực. Theo chia sẻ của anh Sơn, do diện tích trồng còn khiêm tốn nên trái thương phẩm và cây giống luôn trong tình trạng “cháy hàng”.


Anh Sơn (bìa trái) hướng dẫn kỹ thuật trồng cam ruột đỏ cho bà con nhà vườn 

Nhà vườn Huỳnh Hoàng Sơn cho biết: “Năm 2012, một lần đi tham quan ở Hội chợ nông nghiệp tại TP.Cần Thơ, tôi bị thu hút bởi một giống “cam lạ” được trưng bày tại hội chợ. Sau khi tìm hiểu tôi biết đó là giống cam ruột đỏ có nguồn gốc từ nước ngoài đã được một số nông dân lai tạo và trồng thành công tại Việt Nam. Ngay sau đó, tôi gom góp hết tiền có trong người khi đó mua 10 nhánh cam về nhà trồng thử nghiệm”.

Trồng được hơn 1 năm, anh Sơn tự nhân giống cam ruột đỏ và trồng phủ khắp mảnh vườn rộng 1.500m2 của gia đình. Hiện tại, anh Sơn đã thu hoạch được hai mùa trái, giá bán trung bình từ 40 – 45 ngàn đồng/kg.

Nhìn cảm quan bên ngoài, hình thể và màu sắc của cam ruột đỏ không khác nhiều so với các giống cam tại địa phương, điểm ấn tượng của cam ruột đỏ chính là màu sắc của ruột cam cũng như hương vị khi thưởng thức. Cam ruột đỏ có màu hồng nhạt lúc còn non và ruột cam sẽ chuyển dần sang màu đỏ đậm khi chín. Loại cam này vị chua ngọt, thanh mát đặc biệt không có hạt.

Nhờ sở hữu màu sắc bắt mắt và hương vị đặc biệt nên vừa qua tại Hội thi “Trái ngon – an toàn Nam bộ” lần thứ 9, năm 2017 được tổ chức tại TP.HCM, sản phẩm cam ruột đỏ của nhà vườn Huỳnh Hoàng Sơn xuất sắc đạt giải “Củ - quả - lạ, hiếm” tại hội thi. Sau giải thưởng này, nhiều đối tác đã liên hệ với anh Sơn để thu mua sản phẩm cam ruột đỏ. Song, do quy mô sản xuất còn hạn chế nên anh Sơn chưa có khả năng liên kết với các đối tác lớn.

Anh Sơn tâm sự: “Hiện tại, tôi đang mở rộng diện tích trồng cam ruột đỏ thêm 5.000m2 nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của thị trường về sản phẩm cam thương phẩm cũng như cây giống. Tuy nhiên, để làm ăn bền vững, tôi nghĩ rằng cần phải liên kết với nhiều bà con nông dân trong vùng có trồng cam ruột đỏ và sản xuất theo quy trình an toàn. Nhu cầu của thị trường hiện nay khá nhiều nhưng một mình tôi thì không thể liên kết với ai”.

Ngoài cung cấp cam thương phẩm, đến nay, anh Sơn còn là nhà cung cấp cây cam giống. Thu nhập trung bình của anh từ vườn cam 1.500m2 khoảng trên 50 triệu đồng/năm.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn