Liên kết phát triển sản xuất nông sản sạch

Cập nhật ngày: 12/10/2017 07:21:11

ĐTO - Sau thời gian thành lập đi vào hoạt động, mô hình liên kết sản xuất trong nông dân ở Hội quán Thành Tâm của huyện Lai Vung đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên từ sản xuất nông sản sạch đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng xã hội.

Đây là kết quả từ ý thức làm giàu cho bản thân, gia đình từ kinh tế vườn, sự đoàn kết trong xóm làng, liên kết trong sản xuất và trách nhiệm với cộng đồng. Trong tình hình dư luận xã hội luôn lo lắng về an toàn thực phẩm thì việc sản xuất nông sản sạch của nông dân hội quán chính là việc làm thiết thực “Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” theo lời dạy của Bác Hồ.


Anh Tống Văn Phong (người đứng bên phải) – Chủ nhiệm Hội quán Thành Tâm cùng nhà vườn Trần Bá Chuốt trao đổi kinh nghiệm sản xuất

Liên kết để phát triển

Thành lập từ tháng 2/2017, Hội quán Thành Tâm của nông dân xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung có 48 thành viên, chủ yếu là các nhà vườn trồng cây có múi tự nguyện cùng nhau tham gia hội quán. Nông dân đến hội quán sinh hoạt để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, cùng bàn chuyện làm nông sản sạch, nâng cao chất lượng nông sản để có thu nhập cao hơn, ổn định hơn.

Trong các buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm hội quán đã mời các nhà khoa học về nói chuyện hướng dẫn bà con các kỹ thuật canh tác mới trồng ra trái cây sạch, ít sử dụng phân thuốc để tiết kiệm chi phí sản xuất và đáp ứng yêu cầu thị trường, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Qua thời gian hoạt động đến nay hội quán đã đạt những kết quả bước đầu khả quan trong sản xuất trái cây sạch và bao tiêu sản phẩm của các thành viên. Anh Tống Văn Phong – Chủ nhiệm Hội quán Thành Tâm cho biết, đến nay chúng tôi đã hoàn thành 2 quy trình giúp bà con giảm giá thành đối với sản xuất trái cam và quýt đường sạch, chất lượng cao, đã triển khai thực hiện mô hình điểm tại nhà vườn thành viên để đánh giá và hoàn thiện trước khi nhân rộng cho các thành viên trong hội quán. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện quy trình sản xuất trái mận sạch, chất lượng cao.

Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu

Anh Tống Văn Phong chia sẻ, việc nông dân tham gia hội quán trước hết thể hiện sự đoàn kết, liên kết nhau trong sản xuất, các nhà vườn thành viên trao đổi, chia sẻ với nhau kinh nghiệm sản xuất hay, chứ không giấu nghề như các nhà vườn làm ăn riêng lẻ trước đây. Đồng thời, Ban chủ nhiệm hội quán tuyên truyền, vận động các nhà vườn thay đổi nếp suy nghĩ trong sản xuất, làm ra nông sản sạch và góp nhặt bà con vướng vấn đề gì để mời các nhà khoa học về trao đổi, hướng dẫn cho bà con. Khi các nhà vườn đã làm ra trái cây sạch, đảm bảo chất lượng thì chúng tôi bao tiêu sản phẩm, tạo niềm tin cho nhà vườn thành viên để bà con an tâm sản xuất, không phải sợ điệp khúc được mùa mất giá hay lâm vào cảnh chờ giải cứu nông sản.

Để được như vậy thì không chỉ phải sản xuất sạch mà cần phải tăng cường liên kết doanh nghiệp để tìm đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Anh Tống Văn Phong cho biết, để làm ăn với doanh nghiệp thì chữ tín phải đặt lên hàng đầu, đảm bảo quy trình sản xuất sạch, trái cây đạt chất lượng tốt. Hiện nay, chúng tôi nhận được hợp đồng cung cấp 2 mặt hàng là quýt đường và cam xoàn cho Công ty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup và đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các nhà vườn thành viên hội quán đảm bảo theo quy trình sản xuất sạch đạt chất lượng. Qua thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ước tính thu nhập của các nhà vườn tăng từ 15 - 25% so với trước đây do giá cả ổn định, chứ không bấp bênh như hàng trôi nổi theo thị trường.


Mô hình trồng quýt đường và niềm vui thu hoạch nông sản sạch

Anh Tống Văn Phong chia sẻ, hội quán cùng bà con nhà vườn thành viên học tập làm theo gương Bác Hồ qua sự đoàn kết, liên kết với nhau, phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và gia đình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Thể hiện qua việc không chỉ làm giàu cho bản thân mà phải vì lợi ích chung của xã hội, làm ra nông sản sạch đảm bảo sức khỏe cộng đồng, chứ không vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe của người khác, sản xuất ra những nông sản độc hại mà gia đình mình không dám sử dụng. Hướng tới, Tổ sản xuất – liên kết do chúng tôi phụ trách sẽ nâng lên thành Hợp tác xã để tổ chức thực hiện cùng mua chung (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), bán chung (nông sản sạch), gắn hoạt động vào hội quán cho các nhà vườn tham gia, mở rộng thành viên hội quán.

Qua hiệu quả mô hình liên kết sản xuất trong nông dân, phát triển vườn cây có múi của Hội quán Thành Tâm, chính là việc làm thiết thực theo lời Bác Hồ dạy “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy cái tích cực dẹp cái tiêu cực sẽ lan tỏa, thu hút mọi người tham gia để nâng cao giá trị nông sản của tỉnh nhà, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng quê hương Đồng Tháp Sen hồng ngày càng giàu đẹp.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn