Tập trung vào những mô hình liên kết thật sự hiệu quả

Cập nhật ngày: 21/09/2017 07:56:15

ĐTO  - Liên kết sản xuất với tiêu thụ lúa trong mô hình cánh đồng liên kết đã được tỉnh triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thực tế làm thí điểm qua một số vụ cho thấy, diện tích lúa thực hiện liên kết tiêu thụ còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 7,3% diện tích xuống giống.


Cần hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình khép kín, hướng tới sản xuất sạch, an toàn, tạo đầu ra ổn định

Tại hội nghị sơ kết “Tình hình triển khai thực hiện các mô hình thí điểm về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh; vai trò của hợp tác xã (HTX) với các tác nhân trong mối quan hệ liên kết” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh tổ chức vừa qua, ông Huỳnh Minh Phụng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh, đơn vị trực tiếp theo dõi việc thực hiện các mô hình liên kết thông tin: Từ đầu năm 2017, tổng diện tích thực hiện cánh đồng liên kết là gần 29.700/406.700ha diện tích xuống giống, đạt 7,3%, trong đó tổng diện tích được doanh nghiệp thu mua là 26.907ha (đạt 90,6%) (năm 2016, tổng diện tích thực hiện cánh đồng liên kết là 83.700/530.098ha diện tích xuống giống, chiếm 16%).

Số lượng doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác (THT) tham gia mô hình liên kết tăng lên theo từng năm. Tính tới thời điểm hiện tại, có 26 HTX và 57 THT trên địa bàn tỉnh có ký hợp đồng liên kết và tiêu thụ lúa với các công ty/doanh nghiệp. Số lượng các công ty/doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ lúa năm 2017 là 76, tăng 30 công ty/doanh nghiệp so với năm 2016. Trong đó, 6 hình thức liên kết và tiêu thụ lúa chủ yếu là: đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và tiêu thụ lúa; đầu tư phân, thuốc BVTV và tiêu thụ lúa; đầu tư vốn và tiêu thụ lúa; đầu tư giống và tiêu thụ lúa; không đầu tư, chỉ tiêu thụ lúa; đầu tư phân bón, thuốc BVTV, không tiêu thụ lúa.

Theo đánh giá, thông qua mô hình liên kết, nông dân ngày càng nhận thức, thấy được lợi ích của việc sản xuất lúa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường, hướng đến sản xuất lúa an toàn và chất lượng. Các hình thức liên kết của công ty, doanh nghiệp tương đối đa dạng; các hợp đồng liên kết được thảo luận và thống nhất trước với nông dân, HTX, THT ngay từ đầu vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân an tâm sản xuất và mạnh dạn tham gia cánh đồng liên kết. Diện tích lúa trên cánh đồng liên kết được doanh nghiệp thu mua theo hợp đồng tăng theo từng năm và đạt tỷ lệ cao, cho thấy mối quan hệ giữa nông dân, HTX, THT và doanh nghiệp ngày càng bền chặt và có những bước tiến khả quan.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tổng diện tích thực cánh đồng liên kết còn thấp (chỉ đạt 29.700/406.700ha tổng diện tích xuống giống, chiếm 7,3%); đồng thời phần diện tích được doanh nghiệp tiêu thụ theo hợp đồng chỉ đạt 26.907ha, chiếm 6,62% tổng diện tích xuống giống. Nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ chưa chặt chẽ, thiếu tính ràng buộc và tính pháp lý chưa cao, dẫn đến dễ bị phá vỡ. Tình trạng vi phạm hợp đồng còn diễn ra thường xuyên, chưa có biện pháp chế tài và cơ chế quản lý, xử lý hiệu quả.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó việc chia sẻ lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp chưa gặp nhau. Một bộ phận nông dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của việc tham gia liên kết tiêu thụ theo hợp đồng, vẫn còn quan niệm đây là mô hình Nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ và phải thu mua với giá cao; năng lực quản lý, kỹ năng điều hành của các HTX, THT còn hạn chế, đặc biệt trong việc tổ chức sản xuất, giám sát, kêu gọi doanh nghiệp liên kết và vận động thành viên tham gia, thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết. Về phía doanh nghiệp, hình thức liên kết, chính sách đầu tư của một số doanh nghiệp chưa phù hợp, phương thức và giá cả thu mua của nhiều doanh nghiệp chưa hấp dẫn và chưa tạo được sự đồng thuận cao từ người sản xuất...

Theo ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, ngoài việc sản xuất hạ giá thành, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng nông sản, thì để cạnh tranh được phải liên kết cho tốt. Tuy nhiên để làm được điều này, cả doanh nghiệp và nông dân phải xác định liên kết là lợi ích lâu dài, cùng chia sẻ lợi nhuận để cùng nhau phát triển.

“Chúng ta không nên có tư tưởng doanh nghiệp liên kết để đi mua nông sản rẻ và nông dân liên kết thì sẽ mua vật tư rẻ, bán được giá cao. Ở đây, chúng ta nên xác định, bản chất của liên kết là cùng chia sẻ lợi nhuận, cùng hợp tác để phát triển. Bên cạnh đó, trong mối liên kết này HTX có vai trò đặc biệt quan trọng, HTX là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Do đó, các HTX cần củng cố năng lực đủ mạnh, lãnh đạo có tâm huyết, uy tín để có đủ trình độ ký kết, đàm phán với doanh nghiệp” - ông Công nhấn mạnh.

Cũng theo ông Công, để triển khai mô hình liên kết có hiệu quả, thời gian tới, ngành nông nghiệp các địa phương chỉ nên tập trung vào những mô hình thật sự muốn làm và làm có hiệu quả, không đầu tư tràn lan mà tập trung làm thí điểm 1 mô hình hiệu quả nhất.

Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh - đơn vị trực tiếp hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình liên kết nên chú trọng vào các mô hình khép kín, giảm giá thành, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả. Việc thực hiện theo hướng này cũng gián tiếp giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp thực hiện mối liên kết một cách chặt chẽ hơn.

Bên cạnh việc thực hiện mô hình liên kết của các địa phương, về chính sách, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ kiến nghị Trung ương có những chính sách mang tính ràng buộc hơn đối với doanh nghiệp để bắt buộc doanh nghiệp liên kết. Đồng thời cũng phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, như vậy liên kết sẽ căn cơ và bền vững hơn.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn