Cấp cứu ban đầu nạn nhân tai nạn giao thông
Cập nhật ngày: 29/01/2013 08:50:58
Cả nước mỗi năm xảy ra trên 10.000 vụ tai nạn giao thông. Đáng lo ngại hơn, trong số nạn nhân tai nạn giao thông trên đường cao tốc, quốc lộ có không ít người bị tàn phế, tai biến, thậm chí tử vong oan uổng chỉ vì không được cấp cứu ban đầu kịp thời, đúng phương pháp. Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án “Cấp cứu tai nạn giao thông trên mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020”. Đây được xem là “phương thuốc” nhằm giảm bớt số ca tử vong và thương tích do tai nạn giao thông gây ra…
Nhiều thanh niên tình nguyện tại TPHCM được huấn luyện
sơ cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông
Khốn đốn... cấp cứu ban đầu
Khu cấp cứu Bệnh viện Việt Đức những ngày cận tết luôn đông nghịt người từ sáng sớm cho tới đêm khuya. Chia sẻ với chúng tôi, các bác sĩ cho biết, mỗi ngày khu cấp cứu của bệnh viện phải tiếp nhận hàng trăm trường hợp bị tai nạn đủ loại. Từ tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt cho tới tai nạn do ẩu đả nhưng nhiều nhất vẫn là tai nạn giao thông. Đặc biệt vào dịp những ngày nghỉ lễ, dịp tết thì số ca tai nạn giao thông được đưa vào cấp cứu chiếm tới 90% số ca tai nạn…
Nằm li bì trên chiếc cáng kim loại, trên người vẫn còn bê bết máu là anh Long ở Hòa Bình bị tai nạn xe máy ở quốc lộ 6 vào lúc đầu giờ sáng, nhưng tới chiều anh mới được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng sốc và hôn mê. Các bác sĩ điều trị cho biết, thực ra bệnh nhân Long bị thương tích không quá nặng, nhưng do sau tai nạn, nạn nhân không được cấp cứu kịp thời nên dẫn tới tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vào cấp cứu chỉ sau anh Long vài phút là một bệnh nhân nữ lớn tuổi ở Hà Nam bị xe máy đâm ở đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. Mặc dù nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhanh chóng, nhưng đáng tiếc một số người lúc sơ cứu ban đầu trước khi chuyển nạn nhân đi cấp cứu đã không xử lý đúng cách làm cho vết gãy ở xương đùi nạn nhân trở nên nặng hơn, khiến việc cấp cứu và điều trị gặp nhiều khó khăn.
TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, số ca tai nạn giao thông được các địa phương chuyển lên cấp cứu luôn ở mức cao. Tuy nhiên, đáng buồn có không ít trường hợp bị tai nạn giao thông chuyển lên bệnh viện cấp cứu không được xử lý cấp cứu ban đầu kịp thời, đúng cách khiến nhiều trường hợp tai nạn giao thông rơi vào tình trạng rất nặng, thậm chí nguy kịch tính mạng.
Khẩn cấp xây trạm cấp cứu trên đường
Thực tế, không chỉ có Bệnh viện Việt Đức mà nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội và TPHCM hàng ngày đang phải tiếp nhận một lượng không nhỏ nạn nhân bị tai nạn giao thông trên nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ được chuyển tới trong tình trạng rất muộn, nguy kịch hơn do trên nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ thiếu các trạm cấp cứu, cũng như đội ngũ nhân viên y tế có chuyên môn về cấp cứu ban đầu. Nếu có thì phần lớn các trạm y tế lại nằm xa đường, khoảng cách giữa các trạm không đồng đều, chủ yếu tập trung ở vùng đông dân cư. Số lượng nhân viên y tế của trạm ít, trình độ cấp cứu tai nạn, chấn thương còn hạn chế. Đáng lo hơn, trên một số tuyến đường cao tốc mới mở không có trạm y tế.
Thực trạng trên khiến cho chỉ có khoảng 65% số ca tai nạn giao thông được xử trí cấp cứu ban đầu tại hiện trường, nhưng đáng buồn có đến 50% số ca xử trí không đạt yêu cầu chuyên môn và phần lớn do cộng đồng là người dân xung quanh khu vực vụ tai nạn, hay người đi đường thực hiện.
Hiện nay, mỗi năm, cả nước có trên 10.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra làm khoảng 11.000-12.000 người tử vong. Trước thực trạng đáng báo động trên, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án “Cấp cứu tai nạn giao thông trên mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020” và đang được đưa ra lấy ý kiến các cơ quan chức năng.
Theo đề án này, ngay trong năm 2013 sẽ xây dựng 5 trạm cấp cứu đường cao tốc. Gồm 2 trạm trên tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, 2 trạm trên đường Hà Nội-Thái Nguyên và 1 trạm trên đường Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. Các trạm này sẽ phối hợp đồng bộ với mạng lưới bệnh viện cũng như cơ sở y tế trên địa bàn các tỉnh, thành phố nơi tuyến quốc lộ đi qua. Mỗi trạm cấp cứu được trang bị tối thiểu các trang thiết bị và phương tiện cấp cứu như xe cứu thương, trang thiết bị cấp cứu, thuốc cấp cứu… Các trạm cấp cứu bảo đảm sau 10-15 phút nhận được thông báo có thể tiếp cận nạn nhân, tổ chức cấp cứu, vận chuyển an toàn đến cơ sở y tế gần nhất.
Đề án cũng dự kiến đến năm 2020 sẽ triển khai xây dựng 31 trạm cấp cứu tại các đường cao tốc trên toàn quốc. Bên cạnh các trạm cấp cứu, Bộ Y tế cũng dự kiến xây dựng 3 trung tâm điều hành tại 3 vùng miền. Đưa nội dung đào tạo về sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông vào chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe. Trang bị vali cấp cứu cho tất cả xe tuần tra của lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông.
Theo tính toán của các chuyên gia y tế và giao thông, nếu đào tạo được kiến thức cấp cứu cho đội ngũ cộng tác viên, xây dựng các trạm sơ cấp cứu đầy đủ dọc các tuyến đường thì mỗi năm Việt Nam có thể giảm được 10% số người chết do tai nạn giao thông.
(Theo SGGPO)