Dự án Phù Sa - điểm tựa của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Cập nhật ngày: 25/01/2013 18:17:27

Thành phố Cao Lãnh (TPCL) có 1.000 trẻ em (TE) hoàn cảnh khó khăn. Để hỗ trợ các em học chữ, học nghề, có việc làm, từ nguồn hỗ trợ của Liên minh Châu Âu (EU) và Ngân hàng HSBC - thành phố Hồ Chí Minh, năm 2012 Dự án Phù Sa tại TPCL đã tổ chức nhiều hoạt động đáp ứng nhu cầu của trẻ.


Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống

Đối với những trẻ em có nguy cơ nghỉ học, các điều phối viên và giáo dục viên phụ trách Dự án Phù Sa đã liên hệ với Ban giám hiệu của trường nắm danh sách, hoàn cảnh của từng TE có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho 510 em về học phí, dụng cụ học tập để các em có điều kiện tiếp tục đi học; Dự án còn hỗ trợ mua bao hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho 479 em, hướng dẫn làm giấy chứng minh nhân dân...

Thông qua các diễn đàn trẻ em, Dự án Phù Sa đã tạo điều kiện tốt cho TE vui chơi, giải trí, bày tỏ suy nghĩ, ước mơ của mình về những nhu cầu bức thiết trong cuộc sống. Đến với diễn đàn, các em được tìm hiểu về quyền TE, rèn luyện kỹ năng sống và được đối thoại với lãnh đạo chính quyền địa phương, đề xuất sáng kiến để góp ý vào các mục tiêu của 4 nhóm Quyền mà Công ước Quốc tế qui định như: Quyền sống còn, bảo vệ, tham gia, phát triển hay các vấn đề khác đã và đang xảy ra trong xã hội mà các em chưa biết đến.

Trên thực tế, TE có hoàn cảnh khó khăn, cơ hội học tập, tiếp cận với giáo dục nâng cao trình độ văn hóa, học nghề là điều rất khó thực hiện nếu như không được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và của mọi người. Nhận thấy những khó khăn này, Dự án Phù Sa đã tiếp cận tìm hiểu nhu cầu của các em, hỗ trợ học nghề và giới thiệu cho 41 em theo học các nghề như: uốn tóc, sửa xe, may... nhiều em trong số đó có điều kiện làm ăn ổn định cuộc sống.

Chẳng hạn như hoàn cảnh của em Lê Thị Thơ ở xã Hòa An (TP.Cao Lãnh), nhà nghèo phải nghỉ học sớm đi làm thuê phụ giúp gia đình. Biết được hoàn cảnh của em, UBND xã Hòa An giới thiệu em vào Dự án Phù Sa. Được hỗ trợ tiền học nghề uốn tóc, Thơ bày tỏ: “ Cũng nhờ Dự án Phù Sa hỗ trợ em mới có điều kiện học nghề, em sẽ cố gắng học lành nghề, mong rằng sau này em có được công việc ổn định để lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình”. Tương tự, nhiều TE có hoàn cảnh khó khăn khác tại TPCL cũng đã được hỗ trợ học nghề và sau khi ra nghề các em đều tìm được việc làm.

Từ khi Dự án Phù Sa được triển khai, đến nay TPCL có 914 TE hoàn cảnh khó khăn được tạo điều kiện tiếp tục đến trường hoặc học nghề và giới thiệu việc làm.

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa - Chủ tiệm uốn tóc Kim Thoa xã Mỹ Ngãi cho biết: “ 5 năm qua, tôi đã nhận dạy nghề cho 30 trẻ em do Dự án Phù sa giới thiệu. Hiện nay, có 10 em ra mở tiệm riêng, thu nhập tương đối ổn định’’.

Bên cạnh đó, Dự án Phù Sa còn tổ chức cho các em giao lưu, vui chơi giải trí tại Bến Tre, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ; Dự án còn tổ chức các buổi gặp gỡ gia đình TE hoàn cảnh khó khăn để truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục và bạo hành TE, nhằm nâng cao kiến thức cho gia đình trong việc quan tâm chăm sóc, giáo dục TE.

Đạt được kết quả này là nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, chính quyền các cấp và đặc biệt là sự nhiệt tình của điều phối viên, giáo dục viên, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Tất cả đã không ngại khó, phấn đấu vượt qua khó khăn với phương châm “Cùng nhau làm việc để thúc đẩy và bảo vệ các quyền của trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ’’.

Những hoạt động trên cho thấy Dự án Phù Sa TPCL đã chung tay, góp sức cùng chính quyền địa phương trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, là điểm tựa vững chắc cho TE có hoàn cảnh khó khăn tại TPCL, giúp các em vượt qua khó khăn, xóa đi mặc cảm để hòa nhập cộng đồng.

Phương Nga

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn