Công nhân đón Tết

Cập nhật ngày: 25/01/2013 18:14:40

Sau một năm làm việc tất bật, những ngày nghỉ tết là dịp để công nhân được trở về nhà sum họp cùng gia đình. Đối với công nhân đi làm ở các thành phố lớn, những ngày nghỉ tết càng có ý nghĩa đặc biệt hơn.


Công nhân Trần Thị Thu cắt vải để may quần áo tết cho người thân

Mặc dù luôn bận rộn trong công việc hằng ngày, đồng lương khiêm tốn, nhưng khi thời tiết chuyển mùa, những công nhân làm việc ở các thị xã, thành phố bắt đầu dành dụm tiền gửi về nhà phụ giúp gia đình mua sắm thêm các vật dụng để chuẩn bị đón tết. Chị Nguyễn Kim Liên - xã Hòa Long, huyện Lai Vung làm công nhân ở Khu công nghiệp thị xã SaĐéc nói: “Mỗi năm cứ vào độ gió bấc, tôi thường dành dụm tiền gửi về nhà cho gia đình sắm thêm đồ chuẩn bị cho ngày tết. Tết năm rồi, tôi gửi tiền về mua bộ ghế. Tết này, tôi gửi tiền về để gia đình mua chiếc ti vi. Tuy công việc vất vả, đồng lương không cao nhưng tết về ,nhìn lại những món đồ mà mình gửi tiền về mua, tôi rất vui”.

Không chỉ vậy, những người công nhân còn cố gắng sắp xếp thời gian chuẩn bị cho ngày tết. Do vừa đi làm, vừa chuẩn bị tết nên công nhân thường tận dụng những ngày cuối tuần làm các công việc như: lau chùi nhà cửa, tủ ghế, trang trí bàn thờ, cắt tỉa cây xanh và trồng hoa để làm đẹp thêm cho ngôi nhà trong những ngày tết. Chị Nguyễn Thị Kim Đào xã Hòa Long, huyện Lai Vung - công nhân Khu công nghiệp thị xã SaĐéc cho biết: “Năm nào cũng vậy cứ đến 20/10 âm lịch là tôi trồng hoa vạn thọ. Ngoài ra, tôi còn tận dụng thời gian cuối tuần để dọn dẹp nhà cửa, trang trí lại bàn thờ tổ tiên chuẩn bị đón tết”.

Với những công nhân đi làm xa quê, ai cũng nôn nao chờ đợi đến cận tết để được về nhà sum họp với gia đình. Chị Lê Thùy Dung, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, công nhân ở Khu Công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương vừa chi một khoản tiền khá lớn để mua sắm cho ngày về quê ăn tết. Chị nói: “Còn chẳng bao lâu nữa là đến tết rồi, tôi cứ nôn nao không ngủ được, trông đến ngày về quê. Hôm tuần trước, gọi điện về nhà, nghe mấy đứa em nói còn thiếu nhiều thứ nên vừa tan ca là tôi đi sắm ngay. Mấy năm trước, không có điều kiện về quê đón tết, chỉ gửi ít tiền về, nhưng thấy nhớ nhà quá nên năm nay chi tiêu tiết kiệm để mua vé xe về quê đón tết cùng gia đình”. Chị Dung còn cho biết, về quê đón tết lần này, quà của chị dành cho gia đình là vài cái nồi mới, một cái áo ấm cho mẹ và nhiều quần áo cho các em.

Em Nguyễn Thị Thúy An, ngụ ấp 5, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh, làm việc tại công ty TNHH Tỷ Xuân (huyện Tháp Mười) hơn một năm nay chia sẻ: “Mỗi tháng em làm được gần 2 triệu đồng gửi về cho mẹ, gần tết rồi, nhà em lại ít người nên tuần nào em cũng về phụ gia đình quét dọn, giặt giũ...”. Do Công ty cách xa nhà không thường xuyên về quê như nhiều lao động khác, chị Trần Thị Thu-ngụ tại ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cũng có cách chuẩn bị tết rất riêng. Để mang quà về cho gia đình, chị tranh thủ những ngày nghỉ cắt quần áo, chờ khi cận tết chị mang về cho người thân. Chị Thu cho biết: “Làm việc tại đây, thu nhập ổn định, mỗi tháng dư từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Tết sắp đến, mấy hôm nay tôi trông cho thời gian qua sớm để được về quê. Đi làm quanh năm, không lo lắng nhiều được cho cha mẹ, giờ gần về nghỉ tết, tôi mua vải, cắt mấy bộ đồ, may cho ba mẹ ở nhà...”.

Chị Lê Thị Mến, ngụ ấp 1 tháng 5, xã Vĩnh Châu, tỉnh Long An làm công nhân tại công ty 2 năm cho biết: “Khoảng 26 tết tôi sẽ về quê, coi trong nhà có cần gì thì mua sắm thêm phụ với cha mẹ. Đi làm quanh năm rồi, tết đến là ngày sum họp gia đình...”. Biết có công ty ở gần nhà, nên chị Huỳnh Thị Thùy Dung, ngụ khóm 4, thị trấn Mỹ An quyết định chuyển việc từ Bình Dương về thị trấn Mỹ An. Chị Dung tâm sự: “Làm việc ở gần nhà cũng tiết kiệm được chi tiêu trong gia đình. Năm nay, tết có lẽ sẽ sung túc hơn mọi năm...”.

Sau một năm làm việc vất vả được trở về sum họp với gia đình, thăm bà con láng giềng, bạn bè. Đó là khoảng thời gian đầy ý nghĩa đối với những người công nhân xa quê mỗi độ xuân về.

Mỹ Xuyên - C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn