Cảnh giác với cháy nổ

Cập nhật ngày: 25/01/2013 18:15:03

Trong năm 2012, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra 40 vụ cháy (tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm 2011), làm chết 2 người và gây thiệt hại tài sản hơn 7,7 tỷ đồng.

Theo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh, ngoài điều kiện khách quan do thời tiết hanh khô dễ gây cháy thì sự chủ quan, bất cẩn của người dân trong đun nấu, hệ thống điện câu mắc thiếu an toàn gây chập điện và những sự cố kỹ thuật là nguyên nhân giúp cho “bà hỏa” tung hoành trong thời gian qua.


Hiện trường vụ cháy tại Trường THPT Lấp Vò 1

Vụ cháy vào đầu tháng 11/2012 tại chợ Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười do quên tắt bếp gas sau khi đun nước của một chủ kiốt tại chợ đã thiêu rụi hoàn toàn 12 căn kiốt trong chợ làm thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Trước đó, vào cuối tháng 10/2012, vì sự cố chập điện do câu mắc không an toàn mà căn nhà gỗ trị giá hơn 100 triệu đồng của ông Nguyễn Thành Sa ở ấp 4, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình đã bị cháy rụi.

Để phòng ngừa nạn cháy, nổ thì ý thức cảnh giác của mọi người là chính. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn còn tình trạng thắp hương thờ cúng không an toàn, bố trí địa điểm nấu nướng thiếu hợp lý, để trẻ em nghịch lửa,... gây cháy.

Là nơi cung ứng hàng hóa, trong đó có nhiều loại hàng hóa dễ cháy và có nhiều người qua lại nên chợ là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Các chợ mới được xây dựng, cải tạo thì cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc PCCC được quan tâm. Nhưng trên địa bàn tỉnh ở các chợ cũ kỹ, tạm bợ, vẫn còn xem nhẹ việc PCCC. Nhiều tiểu thương còn bày biện hàng hóa không còn lối đi, việc thờ cúng, nấu nướng thiếu an toàn vẫn còn diễn ra. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, bên cạnh những đơn vị thực hiện tốt công tác PCCC, vẫn còn một số doanh nghiệp xem nhẹ quy định về an toàn PCCC.

Nhằm kéo giảm đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn, các đơn vị Cảnh sát PCCC của tỉnh đang phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến giáo dục sâu rộng trong nhân dân về các nguy cơ dẫn đến cháy, nổ trong dịp Tết và mùa hanh khô, đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC tại những cơ sở trọng điểm như: khu kinh tế, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, các khu dân cư, cơ sở sản xuất... có nguy cơ cháy, nổ cao để phòng ngừa và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm qui định của pháp luật về PCCC.

Ngoài ra, nhằm giảm thiểu những nguy cơ xảy ra cháy, nổ, mọi người cần nâng cao ý thức cảnh giác; các cơ quan, doanh nghiệp cần nghiêm túc tổ chức thực hiện đầy đủ các văn bản pháp luật, quy định an toàn PCCC; các hộ gia đình, cần tự trang bị kiến thức PCCC, thường xuyên kiểm tra hệ thống thiết bị điện, bếp đun, nhằm phòng ngừa và hạn chế nguy cơ cháy, nổ những nguy cơ cháy...

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn