Xóm ghe chờ tết
Cập nhật ngày: 28/01/2013 05:22:59
Tết đến là dịp để những người sống trên ghe có dịp trở về quê đoàn tụ, sum họp cùng với gia đình sau bao ngày lênh đênh, vất vả.
Anh Trần Văn Long lấp vò ghe chuẩn bị Tết
Dọc bờ sông Cao Lãnh thuộc khóm 4, phường 2, TP. Cao Lãnh có nhiều ghe neo đậu thường xuyên đến từ các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh... Đối với những người này, đất Cao Lãnh cũng là quê hương, bởi quanh năm họ đậu ghe nơi này để buôn bán, làm ăn.
Anh Trần Văn Long ngụ ấp 5, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đang đứng dưới nước chà rửa, lấp vò ghe chia sẻ: “Người ở trên bờ sửa soạn nhà cửa, còn người dưới ghe thì làm mới ghe ăn tết. Ghe cũng như cái nhà của mình vậy. Tôi cũng mong tết lắm, vì đi buôn bán quanh năm tết mới về thăm nhà, thăm ông bà, hàng xóm”. Anh Long buôn bán ở đất Cao Lãnh đã hơn 7 năm, năm nào cũng vậy, cứ đến 27 âm lịch, vợ chồng anh bán hàng xong là về quê ăn tết. Ăn tết xong, chở muối đầy ghe về Cao Lãnh, bắt đầu một năm mới.
Kế ghe anh Long là ghe anh Trần Văn Công ngụ ấp 7, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri (Bến Tre), mấy ngày nay cũng tất bật công việc dọn dẹp ghe. Trên ghe anh Công có 3 chậu mai nhỏ, vợ anh vừa tranh thủ lặt lá mai, vừa dọn dẹp ghe. Anh Công nói: “Năm nay kinh tế khó khăn, vợ chồng tôi cũng chi tiêu tiết kiệm lắm. Không chỉ bỏ mối cho các tiểu thương chợ, khi nào rảnh tôi còn chuyển muối từ ghe lớn xuống ghe nhỏ đi dọc theo mấy con kênh ở xa Ba Sao, Phương Trà bán lẻ. Chúng tôi đậu ghe bán hàng ở Cao Lãnh gần 10 năm rồi, từ cái ghe nhỏ 8, 9 tấn, giờ mua ghe lớn 25 tấn. Năm nay, 27 tết, vợ chồng chạy ghe về quê, cúng kiếng ông bà...”.
Chị Mộng Kiều chở dừa từ Vĩnh Long lên bán cho thương lái
tại chợ Cao Lãnh
Dọc theo tuyến cầu Kênh 16, phường 3, thành phố Cao Lãnh thường là nơi đậu ghe của nhiều người chuyên làm nghề bán dừa. Chị Trương Thị Mộng Kiều ngụ ấp 2, xã Tân Quới Trung, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đậu ghe bán dừa tại đây 12 năm bộc bạch: “Đất Cao Lãnh này làm ăn được. Mỗi tháng vài lần, ghe tôi lại về Vĩnh Long lấy hàng. Mỗi chuyến đi, chở 3.600 trái dừa lên Cao Lãnh bán. Tết đến, người ta mua dừa nhiều để kho thịt nên vợ chồng tôi ở lại đến chiều 29 tết mới về quê. Bận vậy chứ cũng tranh thủ sơn lại ghe cho đẹp, mua vài chậu hoa chưng cho mới mẻ với người ta, làm ít mứt gừng, mứt dừa dẻo để mời khách lên ghe uống trà...”.
Vì mưu sinh, phải xa nhà nên những người sống trên ghe rất nôn nao tận hưởng những ngày tết ở quê nhà. Qua tết, họ lại trở lại nhịp sống thương hồ với mong muốn việc làm ăn sẽ tốt hơn năm rồi.
C.Phương