Công tác đào tạo nghề, việc làm cho đoàn viên, thanh niên phát huy hiệu quả

Cập nhật ngày: 22/08/2012 14:18:33

Từ năm 2007 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp đào tạo nghề cho đoàn viên, thanh niên.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, thời gian qua toàn tỉnh có 21.650 người tham gia học nghề, trong đó thanh niên chiếm 90% (19.500 người). Số học viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt từ 75% - 80%, riêng trình độ Cao đẳng và Trung cấp nghề đạt trên 80%. Học viên ra trường tìm được việc làm với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng, số còn lại tự tạo việc làm hoặc đăng ký học liên thông lên trình độ cao hơn. Cùng với việc giải quyết việc làm cho lao động thông qua các dự án cho vay vốn, tỉnh cũng có chủ trương giải quyết việc làm cho thanh niên thông qua việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các khu vực công nghiệp. Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở mở rộng sản xuất kinh doanh tạo việc làm mới cho người lao động.


Đoàn viên, thanh niên tham gia học nghề

Tại huyện Tháp Mười, Công ty Tỷ Xuân mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động tại địa phương, đa số lao động là thanh niên nông thôn. Ngoài ra, để tạo việc làm cho thanh niên tham gia lao động ngoài tỉnh, Sở LĐTB&XH cùng các đơn vị trực thuộc đã liên hệ với các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An để giới thiệu lao động... Từ 2007 đến tháng 6 năm 2012, tỉnh đã tổ chức 25 phiên giao dịch việc làm, mỗi phiên giao dịch thu hút từ 30-50 doanh nghiệp, bình quân có từ 1.500 đến 2.000 lao động tham gia. Số thanh niên được giải quyết học nghề hoặc việc làm qua các phiên giao dịch chiếm trên 30% so với số lao động tham gia.

Dự báo hàng năm tỉnh có trên 22.000 người bước vào độ tuổi lao động, cộng với số lao động thất nghiệp khu vực thành thị, số người mất việc làm do việc đô thị hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các trang trại, các hợp tác xã phát triển còn chậm, đồng thời nguồn vốn giải quyết việc làm chỉ đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu vay vốn tạo việc làm của người lao động.

Để đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho người lao động, Sở LĐTB&XH đã có kế hoạch liên tịch phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT, duy trì hỗ trợ hoạt động cho các tổ tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên trên địa bàn dân cư; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn học nghề và tư vấn việc làm cho thanh niên. Sở cùng với địa phương tập trung đầu tư cho công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề theo địa chỉ; dạy nghề cho lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các cụm tuyến dân cư, đặc biệt là tại 30 xã điểm nông thôn mới; duy trì mở rộng các làng nghề, xã nghề để thanh niên có cơ hội chọn nghề học và tạo việc làm cho bản thân, góp phần ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn