Thi công đường kết nối cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống

Hàng chục ngàn mét vuông đất lúa bị sụt lún

Cập nhật ngày: 21/12/2015 12:35:38

Nhiều diện tích đất trồng lúa ở 2 xã Bình Thành và Bình Thạnh Trung (huyện Lấp Vò) đã bị sụt lún nghiêm trọng do thi công công trình đường tiếp nối Cầu Cao Lãnh và Cầu Vàm Cống. Vì đất bị sụt lún khá sâu nên người dân không thể sản xuất lúa, phải bỏ trống.


Diện tích đất lúa của người dân ấp Bình Phú Quới, xã Bình Thành bị sụt lún thành “ao nước”

Đối với xã Bình Thành, các diện tích đất trồng lúa bị sụt lún nằm trên địa bàn ấp Bình Phú Quới, thuộc khu vực tiếp giáp với địa điểm thi công vòng xuyến, gần nút giao với Quốc lộ 80, thuộc gói thầu thi công đường tiếp nối Cầu Cao Lãnh và Cầu Vàm Cống. Theo ông Bùi Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tổng diện tích đất sản xuất lúa của người dân bị ảnh hưởng sụt lún là 60.000m2, trong đó có khoảng 28.000m2 đất bị sụt lún không thể sản xuất lúa được nữa, số diện tích còn lại ước thiệt hại khoảng 30%.

Những hộ dân có đất sản xuất bị sụt lún cho hay, một thời gian ngắn sau khi đơn vị thi công đường tiến hành đặt ống nhựa bơm hút chân không trong lòng đất để thi công nền đường thì đất của họ bị lún dần, đến nay độ lún của mặt ruộng so với ban đầu đã hơn 30cm.

Ông Nguyễn Văn Nhuần (40 tuổi) ngụ ấp Bình Phú Quới, xã Bình Thành cho hay: “Tôi có 2.750m2 đất lúa trong khu vực vòng xuyến. Gần tới thu hoạch vụ hè thu thì phát hiện mặt ruộng bắt đầu bị sụt lún. Những chỗ sụt lún bị trũng sâu quá nên không thể bơm nước ra hết được, lúa ngã giảm năng suất. Đến vụ đông xuân này thì không thể sạ lúa được. Qua đo đạc, diện tích đất tôi bị thiệt hại gần 1.000m2”.

Quan sát cánh đồng khu vực nơi ông Nguyễn Văn Nhuần canh tác, ở những nơi đất bị sụt lún chỉ toàn nước, không có một cây lúa nào sống được. Các diện tích đất lúa lân cận với ruộng của ông Nhuần cũng bị sụt lún tương tự. Theo nhiều người dân địa phương, các diện tích đất tiếp giáp với công trình thi công đường trước đây là đất trồng lúa, qua quá trình sụt lún trong thời gian ngắn đã trở thành đồng nước mênh mông.

Bà Nguyễn Thị Ba ở ấp Bình Phú Quới, xã Bình Thành có 1.800/4.000m2 đất bị sụt lún cho biết: “Đất sụt lún sâu quá nên bị trũng nước, sạ lúa bao nhiêu cũng chết. Đơn vị nào có liên quan gây ra sự cố phải hỗ trợ, bồi thường, khôi phục lại mặt đất cao như ban đầu hoặc thu hồi, chứ như thế chúng tôi không chấp nhận”.

Theo thống kê của UBND xã Bình Thành, địa bàn xã có 10 hộ dân có đất bị sụt do quá trình bơm hút chân không khi thi công đường tiếp nối Cầu Cao Lãnh và Cầu Vàm Công gây ra. Hộ thiệt hại ít nhất là 615m2, hộ bị sụt lún nhiều nhất là hơn 5.500m2.

Hiện tượng đất bị sụt lún còn xảy ra đối với 17 hộ dân có đất sản xuất lúa ở gần cầu Rạch Vượt ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung với diện tích đất bị sụt lún gần 28.000m2. Các hộ dân này đã có đơn gửi ngành chức năng huyện Lấp Vò xem xét, hỗ trợ thiệt hại.

Ngày 17/12/2015, ông Đặng Hữu Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò và các ngành chức năng của tỉnh như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ nhà đất tỉnh đã có buổi làm việc với đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long (gọi tắt là Tổng Công ty Cửu Long) và các đơn vị thi công công trình đường tiếp nối với Cầu Cao Lãnh và Cầu Vàm Cống để giải quyết các ảnh hưởng của công trình đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, trong đó có nội dung giải quyết hiện tượng sụt lún đất của các hộ dân ở 2 xã Bình Thành và Bình Thạnh Trung. Tại cuộc họp, UBND huyện Lấp Vò đề nghị chủ đầu tư là Tổng Công ty Cửu Long nhanh chóng có biện pháp khắc phục, hỗ trợ người dân bị sụt lún đất, vì đây là vấn đề bức xúc liên quan đến thu nhập, cuộc sống của người dân.

Ông Đặng Hữu Tâm cho biết: “Người dân rất bức xúc trước tình trạng thi công đường đấu nối gây sụt lún đất. Chủ đầu tư phải có trách niệm trong vấn đề này. Công ty Cửu Long cho biết vẫn chưa xác định được nguyên nhân là do đơn vị thi công hay đơn vị tư vấn gây ra. Đây là vấn đề bức xúc của người dân nên cần phải sớm được giải quyết. Huyện sẽ mời chủ đầu tư, các ngành và bà con bị ảnh hưởng sụt lún đất để kiểm tra, xác định mức độ thiệt hại cụ thể để có biện pháp hỗ trợ”.

Được biết, các vị trí đất bị sụt lún thuộc công trình đường tiếp nối Cầu Cao Lãnh và Cầu Vàm Cống Km18+200 đến Km23+450 thuộc gói thầu CW2C của Dự án Kết nối khu vực Trung tâm đồng bằng sông Mê Kông, do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Tổng Công ty Cửu Long là đơn vị thực hiện dự án. Công trình do Liên doanh giữa Công ty Tư vấn CDM SMITH (Hoa Kỳ), Công ty Tư vấn WSP FINLAND LTD (Phần Lan) và Công ty Tư vấn YOOSHIN (Hàn Quốc) làm tư vấn giám sát. Nhà thầu thi công là Liên doanh giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty Đầu tư xây dựng Quyết Tiến - Công ty Cổ phần CORPORATION Thương mại và Dịch vụ Anh Giang - Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi. Thời gian bắt đầu thực hiện dự án là ngày 29/12/2014 và hoàn thành vào ngày 22/10/2017.

Sự việc sụt lún đất đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh tế của người dân. Mong rằng các đơn vị liên quan nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ, khắc phục để người dân an tâm sản xuất.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn