Phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024
Cập nhật ngày: 11/02/2024 05:50:41
ĐTO - UBND tỉnh vừa yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng; các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái.
Ảnh minh họa
Tổ chức phát động “Tết trồng cây” vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ (ngày 19/5) và kéo dài cả năm 2024, phù hợp mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương. Việc tổ chức phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và Nhân dân hưởng ứng tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; chú trọng lựa chọn cây trồng bản địa, cây rừng đa tác dụng. Ngoài trồng rừng tập trung, tăng cường trồng cây xanh phân tán ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu văn hóa - lịch sử, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp.
Xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch trồng cây, trồng rừng, phát triển rừng, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và du lịch sinh thái nâng cao giá trị đa dụng của rừng.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2024 vào dịp kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ (ngày 19/5); chuẩn bị cây giống lâm nghiệp cung cấp cho các đơn vị, địa phương để tổ chức phát động Tết trồng cây.
UBND tỉnh giao UBND huyện, thành phố yêu cầu các đơn vị quản lý rừng tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt; tăng cường công tác quản lý rừng bền vững. Phát triển dịch vụ môi trường rừng, đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khai thác lợi thế, giá trị về tài nguyên thiên nhiên, gắn với văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương nhằm phát huy giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng.
T.NG