Công tác y tế học đường ở một trường Trung học

Cập nhật ngày: 02/09/2013 04:32:57

Tổng kết công tác bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh năm học 2012-2013, nhiều trường học trong tỉnh đã quan tâm vận động học sinh tham gia BHYT tăng trên 20% so với năm học trước. Một trong những đơn vị làm tốt công tác y tế học đường trong năm học vừa qua là Trường THCS Lưu Văn Lang, thị xã Sa Đéc.

Theo kế hoạch, năm học mới này trường mới đủ điều kiện đạt trường chuẩn quốc gia nhưng ngay từ khi thành lập năm 2004, trường đã dành hẳn một phòng với đầy đủ dụng cụ chăm sóc, sơ cứu ban đầu cho học sinh như: giường bệnh, tủ thuốc, cân, thước đo... và bố trí cán bộ y tế túc trực sẵn sàng tư vấn và chăm sóc các em khi có bệnh.

Bám sát quy định tại Thông tư 09/2007/TTLT- BYT- BTC ngày 14/8/2009 của liên Bộ Y tế và Tài chính, ban giám hiệu nhà trường đã sử dụng nguồn kinh phí do Bảo hiểm xã hội (BHXH) trích 12% quỹ khám, chữa bệnh (KCB) BHYT của học sinh để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho học sinh, sinh viên tại trường học như mua thuốc, dụng cụ y tế thiết yếu phục vụ sơ cứu, xử lý ban đầu cho học sinh không may bị ốm đau, tai nạn tại trường học; tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh đầu năm học; mua sắm các tài liệu, dụng cụ phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thông về sức khỏe tại trường học, xử lý vệ sinh môi trường; phòng, chống các bệnh lây lan trong phạm vi nhà trường và trả phụ cấp cho cán bộ y tế nhà trường... Nhiều năm qua, nhà trường được BHXH thị xã Sa Đéc đánh giá cao trong việc thực hiện tốt nội dung hướng dẫn này.

Phó hiệu trưởng Lê Minh Thiện Phúc cho biết: “Năm học vừa qua, chúng tôi đã chi trên 17 triệu đồng để phục vụ cho công tác y tế học đường. Nguồn kinh phí CSSKBĐ do cơ quan BHXH trích hàng năm đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc mua các trang thiết bị và tổ chức các hoạt động sức khỏe cho học sinh”. Theo quy định, số học sinh, sinh viên tham gia càng đông thì nguồn quỹ để lại nhà trường dùng để CSSKBĐ tại trường học càng lớn. Do vậy, Ban giám hiệu trường đã chỉ đạo nhiều giải pháp thực hiện BHYT học sinh như: tổ chức tuyên truyền dưới sân cờ, trong các cuộc họp hội đồng sư phạm, họp cha mẹ học sinh; giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm, cán bộ y tế trường học thường xuyên vận động học sinh tham gia BHYT đúng thời hạn quy định. Trường có 4 khối lớp với tổng số gần 1.600 học sinh thì có trên 80% có thẻ BHYT.

Nhờ làm tốt công tác CSSKBĐ mà nhiều trường hợp học sinh mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị kỹ thuật cao, chi phí lớn đã được phát hiện điều trị kịp thời, giảm bớt phần nào chi phí điều trị cho gia đình các em. Đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường tranh thủ vận động học bổng đồng thời hỗ trợ các em mua thẻ BHYT. Trung bình hàng năm trường có khoảng 10 học sinh được hỗ trợ kép như vậy. Liên tục nhiều năm liền tỷ lệ học sinh tham gia BHYT của trường luôn đạt từ 80% trở lên và được Giám đốc BHXH tỉnh tặng Giấy khen về việc phối hợp tốt công tác thu BHYT học sinh.

Cô Phạm Thị Thanh Xuân - cán bộ y tế của trường cho biết, hàng ngày cô đều phải có mặt ở đây từ sáng sớm đến khi học sinh tan trường, bệnh của các em thông thường là bị đau bụng, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, cho nên tủ thuốc lúc nào cũng phải có các loại thuốc như vậy. Không chỉ có vậy, thỉnh thoảng cô còn tư vấn cho các bạn gái giải quyết các vấn đề “rắc rối” ở tuổi dậy thì, rồi còn phải nắm rõ các quy định về chuyển tuyến điều trị theo quy định để giải thích với phụ huynh... vất vả nhưng mà vui. Vui vì, dù cán bộ y tế không trực tiếp lên lớp, nhưng chính cô đã kịp thời tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho các em để các em có thể chất khỏe mạnh, học tốt thì chất lượng giáo dục của trường được nâng lên.

Năm học 2013-2014, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giáo dục - Đào tạo Đồng Tháp, Trường THCS Lưu Văn Lang quyết tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động học sinh tham gia BHYT đạt 90% so với học sinh hiện có.

V.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn