Chủ động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Cập nhật ngày: 01/06/2019 06:00:32

ĐTO - Từ đầu năm 2019 đến nay, cấp ủy, chính quyền, các ngành có liên quan đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã quan tâm, phối hợp trong công tác chuyên môn, liên ngành thanh, kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt hành chính, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thực phẩm an toàn.


Hướng dẫn người dân thực hiện các bước đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo từng lĩnh vực quản lý ATVSTP, các đơn vị Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Y tế cụ thể hóa từng nhiệm vụ được giao. Sở Công thương tiến hành kiểm tra 68 cơ sở, phát hiện 37 cơ sở vi phạm, các cơ sở vi phạm đã được đơn vị quản lý nhắc nhở chấp hành đúng các quy định. Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã kiểm tra 20 cơ sở, phạt tiền 1 cơ sở, các cơ sở khác chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý, cùng với ngành liên quan xử lý 17 trường hợp vi phạm về vệ sinh thú y, tiêu hủy hơn 200kg sản phẩm động vật không có dấu kiểm soát, giết mổ, một số sản phẩm thịt gia súc bị bệnh, không đảm bảo an toàn...

Cao điểm công tác đảm bảo ATVSTP là Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Các ngành cũng đã triển khai, thực hiện các hoạt động tăng cường với nội dung ban hành các văn bản, chỉ đạo, triển khai Tháng hành động tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở đều có kế hoạch tập trung công tác ATVSTP, 100% các huyện, thị xã, thành phố đều triển khai, thực hiện công tác đảm bảo ATVSTP theo hướng dẫn. Các đơn vị tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo hướng dẫn dấu hiệu nhận biết thực phẩm có chứa hóa chất, nguyên tắc chọn thực phẩm sạch; phòng, ngừa ngộ độc thực phẩm; tổ chức ký cam kết tuân thủ các quy định pháp luật về ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh, phục vụ ăn uống...

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các đơn vị đã thành lập Đoàn kiểm tra từ tỉnh, huyện, xã. Tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Qua kiểm tra tổng số 2.197 cơ sở, phát hiện 320 cơ sở vi phạm, có 18 cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), các cơ sở vi phạm còn lại đang thực hiện quy trình xử phạt VPHC kèm hình thức phạt bổ sung, nhắc nhở biện pháp khắc phục. Trong đó có 1 cơ sở sản xuất chả cá bị đình chỉ hoạt động 2 tháng, buộc tiêu hủy 98kg chả cá dương tính với hàn the. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở tiêu hủy các loại thực phẩm hết hạn sử dụng, phụ gia không rõ nguồn gốc...

Cùng với cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cũng triển khai tăng cường công tác kiểm tra. Các địa phương tổ chức nhiều đợt kiểm tra gồm huyện: Lấp Vò, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tân Hồng, Châu Thành, Tam Nông, TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc. Qua kiểm tra đã nhắc nhở, ra quyết định xử phạt...

Tại TP.Cao Lãnh, được sự quan tâm của UBND thành phố, sự hỗ trợ tốt của các ngành, các xã, phường đều tổ chức lễ phát động, hội nghị tổng kết, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt đã tổ chức tuyên truyền nhóm 22 buổi với gần lượt 500 người tham dự, tổ chức ra quân kiểm tra các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, lấy mẫu xét nghiệm nhanh, vận động người dân sử dụng thực phẩm an toàn...

Trong thời điểm hè, công tác hậu kiểm các nhóm sản phẩm cũng được thực hiện tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, lễ hội, kỳ thi THPT... Các sở, ngành có liên quan tiếp tục các kế hoạch đảm bảo ATVSTP từ khâu nguồn gốc nguyên liệu, bảo quản, kiểm soát các chất phụ gia, chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất bảo vệ thực vật, hàng giả, hàng hết hạn sử dụng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến quy trình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm kém an toàn.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn