Người dân vùng sạt lở mong sớm ổn định cuộc sống

Cập nhật ngày: 05/08/2019 10:03:10

ĐTO - Từ đầu năm 2019 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra, thiệt hại tài sản do sạt lở ước tính trên 7 tỷ đồng. Sạt lở cũng khiến nhiều gia đình không còn nhà để ở, phải di dời đến nơi khác.


Sạt lở bờ sông kênh Nguyễn Văn Tiếp B, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh) làm nhiều người dân phải di dời đến nơi an toàn        

Đã gần 3 tháng trôi qua, 11 hộ dân chịu ảnh hưởng bởi vụ sạt lở bờ sông kênh Nguyễn Văn Tiếp B, đoạn khu vực chợ Phong Mỹ (ấp 1, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh) vẫn còn khó khăn. Buồn và lo lắng là tâm trạng chung của nhiều hộ dân nơi đây. Hiện tại, nhà của các hộ này đã bị sạt lở vào tới cửa, có nguy cơ rơi xuống sông bất cứ lúc nào, buộc họ phải di dời để bảo đảm an toàn tính mạng.

Dời đến ở tạm tại Trường Tiểu học Phong Mỹ (cũ) cặp Quốc lộ 30 mấy tháng qua nhưng ông Trương Thành Công (70 tuổi, ngụ xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh) vẫn chưa hết buồn, lo lắng về những ngày tháng sau này không biết gia đình sẽ ở đâu. Sau khi sạt lở, gia đình ông phải dọn đồ đạc đi. Hiện tại, vợ chồng ông tuổi đã cao, các con thì làm thuê nên cuộc sống rất khó khăn. Để có được ngôi nhà mới là ước mơ đối với gia đình ông lúc này. Ông Công chia sẻ: “Chính quyền địa phương có sắp xếp cho gia đình ở tạm, hỗ trợ, động viên tinh thần, nhưng tôi vẫn còn lo lắng về chỗ ở cho gia đình. Tôi mong được chính quyền địa phương xem xét, hỗ trợ có chỗ ở mới để gia đình tôi sớm ổn định cuộc sống”.

Cùng chung cảnh ngộ với ông Công, hộ bà Phạm Thị Kim Quyến cũng ở tạm tại khu vực Trường Tiểu học Phong Mỹ cũ. Bà Quyến làm nghề buôn bán rau, củ ở chợ Phong Mỹ, thu nhập chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày, chồng bà cũng đi làm mướn nên chỉ đủ sống qua ngày. Từ khi xảy ra sạt lở, gia đình bà rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bà Quyến nói: “Hiện giờ, nhà của tôi chưa sụp xuống sông nhưng sạt lở vẫn đang tiếp tục nên mất đất, mất nhà là chắc rồi. Hổm nay, phải dọn đi nơi khác ở, tôi buồn không còn tâm trạng để buôn bán. Địa phương có hỗ trợ cho tôi 10 triệu đồng khắc phục khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, tôi mong là được xem xét, bố trí vào cụm, tuyến dân cư để tôi ổn định cuộc sống, không còn lo lắng về chỗ ở nữa”.

Để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, UBND xã đã đến thăm hỏi các hộ dân, chuẩn bị phương án hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống. Ông Phạm Chí Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh cho biết: “Trong số 11 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở, có 6 hộ có nhà bà con nên di dời về ở tạm. Còn 5 hộ không có chỗ nên UBND xã sắp xếp cho ở tạm tại Trường Tiểu học Phong Mỹ cũ. Đồng thời hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng để ổn định tạm thời. Về lâu dài, UBND xã đã báo cáo về huyện xin bố trí các hộ này vào cụm, tuyến dân cư các xã lân cận trong huyện, nếu trường hợp không có nền sẽ tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh bố trí cho vào cụm, tuyến dân cư xã Bình Thành, huyện Thanh Bình”.

Hiện nay toàn tỉnh có trên 3.800 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở nguy hiểm từ 0 - 30m. Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh thực hiện di dời 66 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm, đồng thời hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng từ nguồn kinh phí Trung ương. Tiếp tục khắc phục sạt lở, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường rà soát, kiểm tra các nơi có nguy cơ sạt lở cao, cắm biển báo nguy hiểm cho người dân biết để đảm bảo an toàn; UBND tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho tỉnh khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền; xây dựng các cụm, tuyến dân cư... để bố trí trên 2.400 hộ dân trong vùng sạt lở ổn định cuộc sống.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn