Quy định xử phạt vi phạm về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Cập nhật ngày: 11/11/2013 04:03:58
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 144/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em là 50 triệu đồng. Cụ thể, đối với vi phạm về trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi không chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội; phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với các hành vi lợi dụng việc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng để trục lợi; bắt buộc đối tượng lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; xâm hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của đối tượng...
Mức phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng áp dụng đối với các hành vi để hư hỏng, thất thoát tiền, hàng cứu trợ; sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng của nhà tài trợ; chiếm đoạt tiền, hàng cứu trợ. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thì bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật; cha, mẹ, người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong các trường hợp này, ngoài phạt tiền, cha mẹ, người nuôi dưỡng còn buộc phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013 và thay thế Nghị định số 91/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011.
Nhật Anh