Mùa xuân ấm áp và sung túc

Cập nhật ngày: 27/01/2023 06:24:38

ĐTO - Bằng ý chí, nghị lực của bản thân cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều gia đình vượt qua nghèo khó, vươn lên có cuộc sống ấm no.


Anh Lê Văn Thật (Ấp 2, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh) nhờ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi giúp anh có điều kiện trồng lúa, hoa màu tăng thu nhập cho gia đình

Nghị lực vượt khó

Trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết Nguyên đán 2023, vợ chồng anh Lê Văn Thật (SN 1974) và chị Nguyễn Thị Loan (SN 1971) ngụ Ấp 2, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh đang tất bật chuẩn bị đón Tết và xuống giống vụ dưa leo với nhiều niềm hy vọng mới. Ngồi trong căn nhà tình thương vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã hỗ trợ cất, anh Thật cho hay: “Tết này có lẽ là cái Tết sung túc nhất của gia đình tôi từ trước đến nay vì gia đình được thoát nghèo, có nhà mới và cuộc sống ổn định. Tôi rất mừng, nhiều khi tưởng rằng mình đang mơ”.

Nhìn lại hành trình thoát nghèo của gia đình, anh Thật bùi ngùi cho biết, trước đây, gia đình anh thuộc hộ nghèo, căn nhà xập xệ nhưng không đủ khả năng cất lại, cuộc sống bấp bênh với nghề làm thuê, nên cái nghèo cứ đeo mãi. Sự “đổi vận” của gia đình anh Thật bắt đầu từ năm 2018, khi anh thuê được 4 công đất trồng lúa. 2 năm sau, UBND xã đã kết nối, xem xét giúp anh Thật vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng và tạo điều kiện cho anh tham gia tập huấn kỹ thuật trồng hoa màu. Từ đó, anh Thật có vốn, kinh nghiệm đầu tư trồng 3 công lúa và 1 công dưa leo, khổ qua để có thêm thu nhập cho gia đình.

Quyết tâm thoát nghèo, vào mỗi mùa vụ để giảm chi phí, vợ chồng anh Thật làm việc không quản vất vả, từ việc rải phân, xịt thuốc đến làm cỏ, thời gian rảnh, vợ chồng anh còn đi làm thuê, đan lục bình. Nhờ siêng năng trong lao động, sản xuất, mỗi năm, anh Thật có lời vài chục triệu đồng từ việc trồng lúa và hoa màu. Con trai anh cũng đi làm công nhân phụ lo chi phí sinh hoạt nên cuộc sống gia đình anh ổn định hơn. Anh Thật bộc bạch: “Sự hỗ trợ của địa phương đã mang đến cơ hội và động lực giúp vợ chồng tôi phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Tôi nghĩ rằng, dù cuộc sống có khó khăn thế nào đi nữa nhưng chúng ta có ý chí, quyết tâm thì cũng sẽ vượt qua”.


Anh Lê Văn Thừa (ấp Phước Tiên, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng) có thu nhập ổn định từ nghề trồng lúa và nuôi bò

Còn với gia đình anh Lê Văn Thừa (SN 1983) và chị Bùi Thị Ngót Em (SN 1983) ngụ ấp Phước Tiên, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng thì mùa xuân này khá đặc biệt. Bởi anh Thừa không phải nặng gánh lo toan cơm áo cho gia đình như trước mà được đón xuân trong niềm vui thoát nghèo. Trước đây, vợ chồng anh Thừa làm 3 công ruộng, thu nhập đủ sống. Khoảng 10 năm qua, anh bị bệnh gan, chi phí điều trị tốn kém, từ đó, kinh tế gia đình dần cạn kiệt. Năm 2020, gia đình anh Thừa thuộc hộ nghèo. Mặc dù sức khỏe hạn chế, nhưng anh luôn siêng năng làm việc. Hằng ngày, anh Thừa đi làm thuê, chị Ngót Em thì may đồ mướn kiếm tiền. Mùa nước nổi, vợ chồng anh đi giăng lưới bắt cá bán để có thêm thu nhập lo cho gia đình.

Tiếp thêm nghị lực cho anh Thừa vươn lên trong cuộc sống, 3 năm qua, UBND xã Thông Bình, huyện Tân Hồng đã xem xét, giúp anh vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng và hỗ trợ cho anh 2 con bò giống nuôi sinh sản. Có tiền làm vốn, anh đầu tư làm 3 công ruộng và nuôi bò. Với 3 công ruộng, anh làm 2 vụ lúa/năm, có lời gần 8 triệu đồng/vụ và tiền đi làm mướn giúp gia đình anh sống ổn định. Anh Thừa tâm sự: “Trong cuộc sống có những biến cố nên gia đình tôi phải rơi vào cảnh nghèo. Hiện nay, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn với nghề làm ruộng và nuôi bò. Tuy còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng được thoát nghèo là một động lực, niềm tin giúp vợ chồng tôi tiếp tục phấn đấu có cuộc sống đầy đủ hơn”.

Ngoài gia đình anh Thừa, anh Thật, năm 2022, nhiều hộ nghèo khác trong toàn tỉnh đã nỗ lực, phấn đấu  từng ngày, vươn lên thoát nghèo. Đồng hành, tiếp sức cho các gia đình trong hành trình thoát nghèo, các cấp, ngành, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ mới thoát nghèo về sinh kế, việc làm, vay vốn, tư vấn định hướng làm ăn, giúp người dân phát triển kinh tế và có cuộc sống ổn định.


Chị Bùi Thị Ngót Em vợ anh Lê Văn Thừa (ấp Phước Tiên, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng) tranh thủ may quần áo cho khách kiếm thêm tiền cho gia đình

Mang đến sự ấm no cho người nghèo

Năm 2022, toàn tỉnh có trên 2.200 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 260 tỷ đồng. Tại xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, trong năm 2022, toàn xã có 132 hộ nghèo, 154 hộ cận nghèo. Bà Phan Thị Ngoan - Phó Chủ tịch UBND xã Thông Bình, cho biết: Xã ưu tiên rà soát, triển khai kịp thời các nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đặc biệt, xã nhận được sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959 trao tặng cây giống (mít, vú sữa, xoài, bưởi,...) cho 30 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, mỗi hộ 150 cây giống; hỗ trợ bò giống cho 8 hộ (mỗi hộ 2 con bò) giúp người dân có điều kiện cải thiện thu nhập cho gia đình. Qua đó, đã có 35 hộ được thoát nghèo vào cuối năm 2022.


Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh bàn giao nhà tình thương cho vợ chồng anh Lê Văn Thật

Cùng với các hoạt động hỗ trợ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, Hội LHPN các cấp vận động hỗ trợ cất nhà tình thương, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên, phụ nữ nghèo, khó khăn. Đồng thời vận động hội viên, phụ nữ khá giàu hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo thông qua mô hình “3 hộ khá giúp 1 hộ nghèo”, phong trào mỗi chi hội giúp 1 phụ nữ thoát nghèo,... nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong hội viên, phụ nữ. Với phương châm “Người có giúp cho người chưa có”, các hội viên khá giàu kèm cặp, giúp hội viên nghèo, khó khăn về tiền vốn mua phân thuốc, cây, con giống hoặc chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt giúp các hội viên, phụ nữ thuận lợi phát triển kinh tế gia đình. Các hoạt động tương trợ nghĩa tình này đã và đang ngày một lan tỏa tại các địa phương, mang đến cơ hội thoát nghèo cho nhiều hội viên, phụ nữ. Trước đây, chị Ngô Thị Thanh (SN 1972) ngụ Ấp 3, xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh thuộc hộ nghèo, sinh sống bằng nghề bán cá, rau củ nhưng thiếu vốn nên việc buôn bán gặp nhiều khó khăn. Chị Thanh được 2 hội viên khá giàu ở ấp là chị Nguyễn Thị Hường (SN 1951), Ngô Thị Phượng (SN 1980) ngụ cùng ấp cho mượn tiền không tính lãi làm vốn mua bán cá, rau, củ ở chợ. Nhờ sự giúp đỡ này, giúp chị Thanh buôn bán thuận lợi, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống và thoát nghèo. Với những hình thức hỗ trợ của các cấp Hội LHPN và hội viên, phụ nữ trong tỉnh đã giúp cho 801 hộ hội viên, phụ nữ được thoát nghèo và cận nghèo vào cuối năm 2022.

Với sự đồng hành, hỗ trợ của địa phương và ý chí quyết tâm của hộ nghèo đã mang đến cuộc sống ấm no cho người dân. Kết quả đó đã góp phần chung tay cùng với chính quyền địa phương kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trong năm 2022 từ 3,13% giảm xuống còn 2,17%.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn