Tiếp tục quan tâm các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế

Cập nhật ngày: 09/01/2023 13:16:51

ĐTO - Cử tri tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ Y tế ban hành cơ chế quy định phù hợp, chặt chẽ hơn, tháo gỡ khó khăn trong việc mua sắm đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế hiện nay cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ mua, trang cấp vật tư y tế trong xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh nhằm đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết, để tháo gỡ khó khăn trong việc mua sắm đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế hiện nay cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ mua trang cấp vật tư y tế trong xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp.

Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu (bổ sung các cơ chế chính sách về mua sắm, đấu thầu cho phù hợp với tính đặc thù trong ngành y tế), Luật Giá, Luật Dược; Luật Bảo hiểm y tế. Đồng thời kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng biện pháp gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo cơ chế của Nghị quyết số 12/UBTVQH15 nhằm đảm bảo kịp thời nguồn thuốc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Chính phủ cũng đang chỉ đạo các Bộ, ngành sửa đổi các nghị định có liên quan.

Để tiếp tục tăng nguồn cung đầu vào, Bộ Y tế chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; ban hành các thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt, giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc. Cùng với đó, chỉ đạo thực hiện điều chỉnh kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan; đẩy nhanh đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, bảo đảm thời gian, tiến độ, đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện...

Ngoài ra, cử tri có ý kiến là hiện nay chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế tuyến cơ sở còn thấp trong điều kiện làm việc vất vả, khó khăn và kiến nghị cần ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thu hút lực lượng y, bác sĩ, tạo điều kiện cho lực lượng này gắn bó lâu dài phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức được Chính phủ quy định. Ngoài ra, công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, nhất là hệ thống y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, chế độ phụ cấp đặc thù và chế độ phụ cấp chống dịch...

Trên cơ sở tương quan như các ngành nghề khác, Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo tiền lương nhà nước và Bộ Nội vụ cho thực hiện phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, viên chức y tế, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện. Đồng thời, đề nghị chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ xếp lương bậc 2 vì theo quy định tại Quyết định số 1982 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam thì việc đào tạo ngành y trong 4 năm đạt được trình độ tương đương bậc 6 (Cử nhân), kết thúc 6 năm đạt trình độ tương đương bậc 7 (Thạc sĩ), kết thúc 3 năm chuyên khoa tương đương bậc 8 (Tiến sĩ).

Bộ Y tế đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó, đề nghị áp dụng mức phụ cấp ưu đãi nghề 100% đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng, y tế cơ sở; tiếp tục quan tâm đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế.

T.T

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn