Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
Cập nhật ngày: 18/05/2022 15:56:20
Y tế là ngành lao động đặc thù, hầu hết cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành phải làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy, các cơ sở y tế luôn chú trọng vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), bảo vệ người lao động trước những rủi ro, tai nạn nghề nghiệp.
Nhân viên y tế CDC Đồng Tháp trang bị đồ bảo hộ cá nhân đầy đủ khi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp (CDC) là đơn vị thực hiện các hoạt động chuyên môn, hướng dẫn, quản lý, kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh mới nổi; theo dõi diễn biến, dự báo tình hình dịch, bệnh; đáp ứng tình trạng khẩn cấp về dịch, bệnh; quản lý, sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế, tiêm chủng... Do đó, không ít nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, từ trường, các bệnh phẩm nguy hiểm độc hại, đối diện với nguy cơ phơi nhiễm bệnh từ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì vậy, bên cạnh việc làm tốt công tác khám, chữa bệnh cho người bệnh, thì ý thức đảm bảo ATVSLĐ cũng được toàn thể nhân viên CDC Đồng Tháp đặc biệt quan tâm.
Là người trực tiếp thực hiện xét nghiệm, cử nhân Nguyễn Minh Thông - nhân viên Phòng Xét nghiệm khẳng định HIV/AIDS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Hiện nay, trung bình mỗi tháng, chúng tôi thực hiện khoảng 40 mẫu xét nghiệm khẳng định HIV/AIDS. Làm công việc xét nghiệm, chúng tôi xác định rất dễ bị phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là với những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân HIV/AIDS. Cho nên, chúng tôi luôn phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, thực hiện đúng quy trình xét nghiệm và thường xuyên tập huấn về an toàn sinh học, đảm bảo chất lượng xét nghiệm. Nhờ đó, giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ”.
Thường xuyên tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm như máu, dịch tiết của bệnh nhân HIV, nguy cơ lây nhiễm cao, các bác sĩ, kỹ thuật viên thuộc Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng thuộc CDC Đồng Tháp phải rất cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu làm việc để có thể đưa ra những kết quả xét nghiệm chuẩn xác và nhanh nhất. Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Ngọc - Phó trưởng Khoa xét nghiệm cho biết: “Môi trường làm việc của khoa rất dễ bị lây nhiễm, vì vậy, chúng tôi phải luôn cẩn thận thực hiện chính xác các quy trình từ khâu lấy mẫu đến làm mẫu, trả kết quả, vận chuyển xử lý rác thải và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc làm việc, từ bảo hộ lao động đến quy trình vận hành và chạy mẫu... nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như người khác”.
Không riêng gì nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS có nguy cơ lây nhiễm bệnh trong quá trình làm việc, trên thực tế, nhân viên ngành y, dù ở bất kỳ vị trí nào, từ buồng tư vấn, phòng xét nghiệm, cũng như tại phòng thăm khám... đều có thể bị lây nhiễm bệnh. Nhân viên làm ở các bộ phận trực tiếp Phòng khám đa khoa, sản nhi, có tỷ lệ ảnh hưởng cao nhất, vì họ là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, thực hiện các kỹ thuật tiêm ngừa, lấy máu xét nghiệm, đỡ đẻ, xử lý dụng cụ sau phẫu thuật, thủ thuật... Họ có thể bị phơi nhiễm các tác nhân gây bệnh qua đường máu, dịch tiết cơ thể người bệnh, qua không khí, tiêu hóa. Một số bệnh nghề nghiệp thường mắc phải là HIV, lao, viêm gan B, cúm, tả, Covid-19...
Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong phòng xét nghiệm
Bác sĩ đa khoa Phan Thị Thu Thủy - nhân viên Phòng khám đa khoa, CDC Đồng Tháp chia sẻ: “Trong quá trình khám bệnh cho bệnh nhân, nguy cơ bị lây nhiễm bệnh là khá cao, do đó, ngoài việc trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, chúng tôi luôn tuân thủ các quy định đảm bảo ATVSLĐ nhằm bảo vệ sức khỏe của cá nhân và hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm bệnh”.
Thạc sĩ Trần Văn Hai - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Công tác đảm bảo ATVSLĐ luôn được Trung tâm chú trọng. Cụ thể, chúng tôi thực hiện nghiêm các quy định về bảo hộ lao động (trang bị vật dụng cá nhân, quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay, mũ, ủng...) cho người lao động trong quá trình làm việc. Hàng năm, Trung tâm đều thực hiện rà soát phát hiện các nguy cơ rủi ro, bổ sung các quy trình làm việc an toàn; đồng thời tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên và quan trắc môi trường. Các chế độ chính sách về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động được thực hiện đầy đủ, đúng các quy định về chế độ độc hại, ưu đãi nghề và các chế độ khác cho nhân viên y tế, phổ biến chính sách pháp luật về ATVSLĐ... nhằm mục đích tạo môi trường làm việc an toàn để nhân viên y tế yên tâm làm việc.
SÔNG NGÂN