Bước đầu thực hiện đánh giá công chức bằng phần mềm tin học
Cập nhật ngày: 30/07/2014 04:01:12
Khi nói đến đội ngũ công chức (CC) cấp tỉnh, huyện và xã, người ta liên tưởng đến số lượng, nhưng chất lượng thì chưa theo kịp yêu cầu phát triển xã hội. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân như: phương thức tuyển dụng, quá trình đào tạo, bồi dưỡng, chế độ đãi ngộ,... Gần đây, một cuộc điều tra xã hội học còn đưa ra một tỉ lệ khá nhiều CC ngồi không ăn lương dẫn đến nhiều hệ lụy. Bên cạnh những người có đức, có tài thì cũng không ít người kém năng lực, làm việc thiếu hiệu quả, ít việc,...
Công tác đánh giá cán bộ, công chức (CBCC) luôn được xem là khâu đầu và rất quan trọng trong công tác cán bộ, nhằm giúp cho cấp sử dụng và cơ quan, đơn vị quản lý điều chỉnh, bổ sung cho công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, phân phối thu nhập cuối năm,... Qua đánh giá, người được đánh giá sẽ tự thấy những ưu, khuyết điểm của mình đang ở mức độ nào để họ phấn đấu, tự hoàn thiện. Do tính quan trọng đó nên công tác đánh giá CBCC đòi hỏi phải đúng thực chất, khách quan, chính xác để làm căn cứ cho cấp quản lý và cơ quan, đơn vị sử dụng CBCC có quyết định đúng đắn về công tác cán bộ.
Theo kết quả đánh giá CC năm 2013, toàn tỉnh có 40,63% CC cấp tỉnh, 36,15% CC cấp huyện, 31,20% CC cấp xã của các cơ quan hành chính nhà nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có 55,45% CC cấp tỉnh, 61,52% cấp huyện và 61,63% cấp xã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua các số liệu trên, số CC được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và không hoàn thành nhiệm vụ rất ít. Thực trạng trên không chỉ diễn ra tại Đồng Tháp mà có thể thấy ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Tại cuộc họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, CC, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% CC không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ hiệu quả công việc nào”. Tình trạng trên cho thấy công tác đánh giá CC đâu đó còn bất cập, chưa thể hiện đúng thực chất, còn “dĩ hòa vi quý”.
Nguyên nhân chủ yếu là do chưa ban hành được các tiêu chí cụ thể, phù hợp đối với từng đối tượng; còn mang dáng vấp của thời kỳ bao cấp kéo dài; ngại nói thẳng, nói thật, nễ nang, sợ mích lòng, sợ bị cấp trên trù dập; chưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để công khai, minh bạch trong công tác đánh giá CBCC. Bên cạnh đó, qua 1 năm công tác; đến cuối năm mới xem xét, đánh giá như hiện nay đã bỏ sót nhiều chi tiết, những kết quả thực hiện nhiệm vụ của CC vô tình đã cào bằng thành tích giữa các CC với nhau.
Để thực hiện tốt việc đánh giá CBCC, Sở Nội vụ đã ứng dụng CNTT để mọi người được tự do thể hiện chính kiến của mình, phần mềm được thực hiện thử nghiệm ở tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và cấp huyện từ tháng 5/2014 đến tháng 9/2014. Phần mềm này chuyển tải toàn bộ nội dung cuộc họp về đánh giá CBCC lên phần mềm tin học; đánh giá theo kết quả đầu ra của công việc: mọi CC phải tự kê khai kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình, tự đánh giá theo thang điểm trong phần mềm tin học và góp ý với mọi người mà không sợ người khác biết; định kỳ đánh giá hàng tháng hoặc ba tháng, khi đánh giá CC cuối năm phần mềm tin học sẽ bình quân số điểm cho mọi người.
Qua việc đánh giá CC bằng phần mềm tin học, thủ trưởng cơ quan và cấp quản lý CC sẽ nhận ra một cách chính xác số biên chế cần có, CC nào đang yếu kém và hướng bồi dưỡng. Và cũng qua phần mềm này, người sử dụng CC sẽ có ngay vị trí việc làm của cơ quan mình một cách chính xác.
Hiện nay tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện thử nghiệm phần mềm đánh giá CC đối với các đối tượng: phó giám đốc sở và tương đương; các trưởng phòng, phó trưởng phòng (và tương đương) và tất cả CC. Cấp huyện: các phó chủ tịch UBND, các lãnh đạo phòng chuyên môn và tất cả CC thuộc huyện.
Kết quả sau 2 tháng thực hiện thử nghiệm: tháng 5 có 187/2.405 CC thực hiện đánh giá (1.179 công việc được kê khai, trong đó 41 công việc được giao và đánh giá). Tháng 6 có 216/2.405 CC thực hiện đánh giá (2.558 công việc được kê khai, trong đó 1.494 công việc được giao và đánh giá). Qua đó, một số cơ quan đã quan tâm thực hiện kê khai công việc, đánh giá việc làm như Văn phòng UBND tỉnh, các Sở Công Thương, Tư pháp, Giao thông Vận tải, UBND các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh... Tuy nhiên, số lượng CBCC tham gia thử nghiệm phần mềm còn ít; CC kê khai công việc chưa đạt yêu cầu; nhiều CC chưa quan tâm thực hiện tự đánh giá, xếp loại công việc trên phần mềm. Nguyên nhân chủ yếu do một số CC chưa nhận thức tầm quan trọng, tính đột phá của việc đánh giá trên phần mềm; CC chưa tạo được thói quen đánh giá công việc theo cách làm mới, nhất là trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan chuyên môn chưa cao.
Từ nay đến quý I/2015, Sở Nội vụ đã xây dựng lộ trình thực hiện như: Triển khai nhân rộng thực hiện thử nghiệm đối với bộ phận hành chính ở các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Tháng 8/2014 thông qua Thường trực UBND tỉnh về thực hiện đánh giá thử nghiệm đối với người đứng đầu các cơ quan chuyên môn, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện; cuối quý I/2015 sẽ triển khai thực hiện thí điểm đối với cấp xã.
Việc kê khai công việc và đánh giá CC bằng phần mềm tin học là phương pháp quản lý đầu ra của sản phẩm mà CC làm được, sẽ giảm dần cách quản lý theo giờ hành chính, môi trường quản lý CC sẽ dân chủ hơn. Ngoài việc hỗ trợ cho công tác thi đua - khen thưởng, phân phối thu nhập qua khoán chi phí hành chính, còn giúp cấp quản lý và cơ quan, đơn vị nhận biết một cách khoa học về số biên chế, cơ cấu ngạch CC, CC nào yếu kém về chuyên môn, vị trí việc làm ở cơ quan, đơn vị ra sao,... Như vậy công tác cán bộ sẽ mở ra một chương mới.
Phan Văn Tiếu